z

Những điểm đáng lưu ý trong giai đoạn đầu triển khai CBAM 

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được chính thức triển khai từ 01/10/2023. Chính sách này được thiết lập để áp đặt mức giá đối với các hàng hóa nhập khẩu vào EU có lượng phát thải khí nhà kính (KNK) lớn, nhằm mục đích khuyến khích các nhà nhập khẩu khử cacbon trong chuỗi cung ứng của họ và khuyến khích các nhà cung cấp tương lai xanh hóa hoạt động sản xuất. Từ tháng 10/2023 tới tháng 12/2025, các doanh nghiệp chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khai báo thông tin mà chưa phải gánh chịu tác động tài chính. Dưới đây là những kinh nghiệm và điểm đáng lưu ý trong giai đoạn đầu triển khai CBAM tại EU. 

1. Doanh nghiệp nên bắt đầu quá trình khai báo CBAM sớm

Các trục trặc kỹ thuật đã ảnh hưởng nặng nề đến Cơ quan đăng ký CBAM vào cuối tháng 1, khiến nhiều công ty gặp khó khăn trong việc tải dữ liệu lên hoặc thậm chí đăng nhập. Để ứng phó tình huống này, Cơ quan đăng ký đã cho phép gia hạn thêm 30 ngày. Ngoài thách thức này, cơ quan đăng ký còn có các yêu cầu cụ thể, nếu không được đáp ứng, ngăn cản việc nộp hồ sơ và có thể mất nhiều thời gian để sửa chữa. Do đó, các nhà nhập khẩu tại EU được khuyến cáo nên chủ động hoàn thiện tờ khai từ sớm, để đảm bảo đủ thời gian để nộp và điều chỉnh, bổ sung báo cáo (nếu được Cơ quan đăng ký yêu cầu).

2.Xác định rõ ràng các quy trình nội bộ để có trách nhiệm giải trình tốt hơn

Khi thực hiện khai báo thông tin cho Cơ quan đăng ký CBAM, công ty phải tuân thủ các nguyên tắc như tính toàn diện, đồng bộ, chính xác và đáng tin cậy của thông tin. Cơ quan đăng ký sẽ quan tâm tới các câu hỏi như: Bạn ghi lại mã hải quan và mô tả hàng hóa nội bộ như thế nào? Bạn có theo dõi toàn bộ chuỗi cung ứng để ghi lại địa điểm sản xuất của từng nguyên liệu một cách đáng tin cậy không? Bạn báo cáo trọng lượng tịnh và tổng trọng lượng như thế nào? Ngoài việc thu thập dữ liệu, ai là người chịu trách nhiệm báo cáo cuối cùng? Mỗi chi nhánh có một người khai CBAM riêng hay có một người đại diện duy nhất cho toàn công ty?  

Với những công ty có hoạt động thương mại đa quốc gia trên quy mô toàn cầu, để đảm bảo tuân thủ quy định và nguyên tắc khai báo CBAM, công ty cần xây dựng quy trình nội bộ cụ thể, rõ ràng, có phân vai trách nhiệm cho từng cá nhân, bộ phận trong quá trình thực hiện. Việc thiết lập chi tiết này sẽ giúp hợp lý hóa quy trình báo cáo.

3.Ưu tiên sự tham gia của nhà cung cấp để thu thập dữ liệu hợp lý

Cho đến ngày 31/07/2024, các công ty được quyền tùy chọn sử dụng các “giá trị mặc định” do EU cung cấp để hoàn thành tờ khai CBAM của mình. Điều này có nghĩa là các công ty có thể khai báo một cách đơn giản là tính khối lượng hàng hóa nhập khẩu nhân với hệ số phát thải tương ứng của sản phẩm. Tuy nhiên, sau tháng 7/2024, EU sẽ yêu cầu thu thập thông tin phức tạp, cụ thể về địa điểm từ các nhà cung cấp (và thậm chí cả các nhà cung cấp thượng nguồn của họ), bao gồm thông tin chi tiết về mức tiêu thụ năng lượng, hiệu quả sử dụng nhiên liệu và quy trình sản xuất dành riêng cho từng nguyên liệu. 

Các nhà nhập khẩu EU được khuyến cáo cần bắt đầu chuẩn bị cho đối tác của mình để đáp ứng tốt những nhu cầu này trước thời hạn báo cáo tháng 10/2024. Vì vậy nhà nhập khẩu EU sẽ đánh giá và lựa chọn ưu tiên mua hàng từ các nhà cung cấp có sẵn dữ liệu phát thải KNK hoặc đã thiết lập được quy trình thu thập dữ liệu phát thải tốt. 

Với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nếu sớm thực hiện kiểm kê và quản lý phát thải khí nhà kính, sẵn sàng thông tin về phát thải để cung cấp cho đối tác thì sẽ rất thu hút các nhà nhập khẩu tới từ EU. 

4.Chuẩn bị cho tác động và đánh giá chi phí, rủi ro

Các công ty nên nhớ rằng lượng khí thải được khai báo cuối cùng sẽ đi kèm với chi phí phát thải từ tháng 01/2026. Để chuẩn bị cho các gánh nặng và rủi ro tài chính này, nhà nhập khẩu tại EU và các bạn hàng của họ, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam cần ước tính những chi phí này.  

Một điểm đáng quan tâm với những ngành chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM, đó là EU có kế hoạch mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm hơn (trước năm 2030). Do đó, các ngành khác cũng cần lưu ý các điểm nêu ở trên. Ngay cả các công ty không thuộc phạm vi điều chỉnh trực tiếp bới CBAM nhưng nằm trong chuỗi cung ứng đó thì các nhà nhập khẩu EU có thể sẽ chuyển chi phí đáng kể sang cho họ. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

showroom