z

Trái phiếu xanh

Các chính trị gia Hà Lan đang xem xét kế hoạch buộc hàng trăm nông dân bán bớt và cắt giảm số lượng vật nuôi, để giảm ô nhiễm do amoniac gây ra.

Sau khi tòa án tối cao của Hà Lan ra phán quyết vào năm 2019 tuyên bố rằng chính phủ đã vi phạm luật của EU khi không đủ nỗ lực làm giảm lượng nitơ dư thừa ở các khu vực tự nhiên dễ bị ảnh hưởng, quốc gia này đã phải chiến đấu với cái mà họ gọi là “cuộc khủng hoảng nitơ”.

Hiện các công chức tại Bộ Tài chính và Nông nghiệp Hà Lan đưa ra các đề xuất, bao gồm cắt giảm số lượng vật nuôi xuống 30% – một trong những kế hoạch cấp tiến nhất thuộc loại này ở châu Âu. Hai kịch bản được đề xuất bao gồm buộc một số nông dân bán quyền phát thải và thậm chí cả đất đai của họ cho nhà nước, nếu cần.

Một trang trại bò sữa ở Barneveld, Hà Lan. Chính phủ Hà Lan đang xem xét các biện pháp để cắt giảm lượng khí thải nitơ từ các trang trại để bảo vệ môi trường sống tự nhiên và đa dạng sinh học. 

Chất thải của vật nuôi, khi trộn với nước tiểu, giải phóng amoniac, một hợp chất chứa nitơ. Khi đi vào các hồ và suối qua dòng chảy của trang trại, nitơ quá mức có thể làm hỏng các môi trường sống tự nhiên nhạy cảm, chẳng hạn, khuyến khích tảo nở hoa làm cạn kiệt oxy ở mặt nước.

Hà Lan có một trong những ngành công nghiệp chăn nuôi lớn nhất châu Âu, với hơn 100 triệu con gia súc, gà và lợn. Đây cũng là nước xuất khẩu thịt lớn nhất của EU.

Rudi Buis, người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp cho biết: “Chúng tôi là một quốc gia tương đối nhỏ với rất nhiều dân cư, công nghiệp, giao thông và nông nghiệp, vì vậy chúng tôi đang đạt đến giới hạn mà thiên nhiên có thể làm. Chúng tôi cấp bách phải giải quyết vấn đề hợp chất nitơ. Điều này có nghĩa là trong tương lai gần, các lựa chọn phải được đưa ra”.

Tuy nhiên, ý tưởng trưng thu, hoặc buộc phải bán, do khủng hoảng khí hậu, đang gây tranh cãi về mặt chính trị ở một quốc gia mà 6 tháng sau cuộc tổng tuyển cử, nhiều đảng đang cố gắng thành lập một chính phủ thiểu số.

Trong các câu hỏi của quốc hội hôm 7/9, Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan sắp mãn nhiệm, Carola Schouten, xác nhận rằng buộc bán quyền phát thải hoặc đất đai là biện pháp cuối cùng trong số các biện pháp đang được xem xét.

“Không, tôi không muốn loại bỏ những người nông dân”, bà nói. “Tôi nghĩ rằng ở một số địa điểm nhất định, các công ty không thể tiếp tục và vì vậy chúng tôi phải đảm bảo rằng chúng tôi có các quy tắc cần thiết”.

Các nhà bảo vệ môi trường đã hoan nghênh các kế hoạch này, nói rằng đây có thể là các giải pháp sẽ áp dụng trên khắp châu Âu. Bram van Liere, nhà vận động của tổ chức Những người bạn của Trái đất tại Hà Lan, cho biết: “Đó là một bước đi đúng hướng. Chúng tôi sẽ làm nhiều hơn nữa trong việc thu mua và giúp nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững”.

“Cuộc khủng hoảng nitơ rất nghiêm trọng ở Hà Lan, nhưng tỉ lệ thải nitơ ở Đức và Bỉ cũng rất cao. Tôi nghĩ rằng các trang trại nhà máy khổng lồ của họ cũng sẽ phải được mua lại để tuân thủ Chỉ thị Môi trường sống của [EU] và để bảo vệ thiên nhiên”, Liere bổ sung.

Nhưng các nhóm nông dân đã dành nhiều tháng để chặn đường bằng máy kéo để phản đối các đề xuất nhằm hạn chế amoniac từ chất thải động vật.

Wytse Sonnema, người đứng đầu các vấn đề công tại Tổ chức Nông nghiệp và Làm vườn Hà Lan (LTO), cho biết: “Tước quyền sở hữu là một ý tưởng tồi”. LTO đã đề xuất một kế hoạch tài trợ cho đổi mới canh tác và tự nguyện di dời hoặc đóng cửa trang trại.

“Thứ nhất: về nguyên tắc. Đó là sự chiếm đất của chính phủ không phù hợp với quản trị tốt. Lý do khác rất thực tế: việc trưng thu tài sản mất từ ​​5-7 năm trước khi có kết quả, và trong nhiều trường hợp còn lâu hơn. Chúng tôi không chờ được lâu vậy, và tất nhiên chi phí tốn hơn nhiều”, LTO phân tích.

Một số bên nói rằng một cách tiếp cận tự nguyện là cần thiết. Derk Boswijk, phát ngôn viên ngành nông nghiệp của Cơ quan Dân chủ Cơ đốc giáo, một phần của liên minh tiềm năng, cho biết: “Phát thải hợp chất nitơ phải giảm đáng kể… nhưng có một số cách để giảm nó: mở rộng, nghĩa là có nhiều đất hơn cho chăn nuôi, di dời hoặc tự nguyện mua lại của nông dân gần các khu bảo tồn thiên nhiên, và đầu tư vào đổi mới”.

“Ở Hà Lan, ngành nông nghiệp đã thu hẹp 3% một năm, nhiều nông dân không có ai nối nghiệp, và người ta dự đoán rằng trong 10-15 năm nữa, 40-50% nông dân sẽ không làm nông. Các kế hoạch cưỡng chế tịch thu… gây thiệt hại lớn tới sự ủng hộ và tin tưởng vào chính phủ”, Boswijk nói.

Bất chấp sự bất đồng trong quốc hội, các chuyên gia pháp lý chỉ ra rằng quy định của luật như vậy nghĩa là phải đưa ra một chính sách khí hậu tương ứng. Jacques Sluysmans, giáo sư về luật trưng thu tại Đại học Radboud Nijmegen, cho biết hầu hết các nước châu Âu đều có luật như vậy. “Ở Hà Lan… với việc trưng thu, chế độ bồi thường rất hào phóng”, ông nói thêm.

“Tôi không chắc các quốc gia nhìn nhau ở mức độ nào, nhưng đối với những vấn đề này, bạn cần phải vẽ một ranh giới trên toàn châu Âu, nếu không họ chỉ cần chuyển đến một quốc gia khác và làm điều tương tự ở đó. Môi trường không chỉ dừng lại ở biên giới”, giáo sư Sluysmans chia sẻ suy nghĩ.

Marjan Minnesma, Giám đốc của tổ chức Urgenda, một tổ chức phi chính phủ đã thắng kiện tại tòa để buộc chính phủ Hà Lan giảm phát thải khí nhà kính, cho biết hành động của các nhà bảo vệ môi trường có khả năng thúc đẩy chính phủ hành động hơn nữa trong tương lai.

“Tôi e rằng hành động này không phải vì chính phủ nhận ra rằng họ chưa làm đủ – tôi ước họ sẽ nhận ra điều đó – mà là vì họ bị tòa án ép buộc”, Minnesma nói. “Tôi nghĩ rằng các vụ kiện pháp lý sẽ là động lực tạo ra nhiều hành động hơn trong những năm tới”.
Theo Trung tâm Thiên nhiên và Con người

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

showroom