z

Đồng bằng sông Cửu Long có đủ tiềm năng để phát triển Hydrogen

Tại Hội thảo “Năng lượng Hydrogen – Tiềm năng và cơ hội ứng dụng cho doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra vào ngày 29.3 tại Bạc Liêu, các chuyên gia và đại diện Sở kế hoạch và đầu tư khẳng định rằng Hydrogen sẽ là nguồn năng lượng mới giúp các tỉnh ĐBSCL phát triển.

Hội thảo do Công ty Cổ phần Sáng tạo Xanh Việt Nam (GREEN IN) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Tham dự có hơn 60 đại biểu đại diện các sở ban ngành địa phương và các tỉnh lân cận như Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Cà Mau; các doanh nghiệp, các cơ quan báo đài và các nhà khoa học. 

Để giải quyết tình trạng Biến đổi khí hậu, thế giới đã và đang thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá… bằng các loại hình năng lượng thân thiện với môi trường, ít phát thải. Theo nghiên cứu, Hydrogen sẽ đóng góp 10% giảm phát thải đến năm 2050.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với vị trí địa lý thuận lợi, có đường bờ biển dài không chỉ thuận lợi phát triển năng lượng tái tạo như điện gió mà còn thuận lợi để phát triển năng lượng Hydro. Một số tỉnh ở khu vực ĐBSCL đã và đang triển khai hiệu quả nhiều dự án về năng lượng Hydro xanh. Điển hình, tỉnh Trà Vinh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và khởi công thực hiện dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh, tổng nguồn vốn đầu tư gần 8.000 tỉ đồng, quy mô sản xuất 24.000 tấn hydro/năm, 195.000 tấn oxy y tế/năm. Tỉnh Bến Tre đang xem xét đề xuất dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Bến Tre với công suất dự kiến ở giai đoạn 1 tạo ra 84.000 tấn hydro/năm; 540.000 tấn ammonia/năm; 785.000 tấn khí oxy/năm. Tỉnh Bạc Liêu sớm xác định định hướng phát triển Hydro xanh tại tỉnh là một trong những hướng đi mang tính “động lực”, đột phá” cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội, tiềm năng phát triển là không ít thách thức, rào cản. Tại phần trao đổi về những thách thức, TS Trần Thiện Khánh, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cho rằng, hiệu quả của hydrogen mang lại rất rõ, nhưng hiện tại cần có cái nhìn một cách rõ ràng đây là năng lượng sạch, hay là xây dựng nhà máy hóa chất. Bởi, khi tách hydro, oxy thì xem như hoá chất, dù việc thực hiện này nhằm tiến tới một nền kinh tế trung hòa, rất có ý nghĩa trong việc giảm phát thải. Thực tế, hiện nay không thiếu hành lang pháp lý để thực hiện. Tuy nhiên, các địa phương cần tăng cường mời gọi đầu tư các nhà đầu tư về tỉnh đề tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát và đầu tư các dự án liên quan đến hydrogen, nhất là các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh về nguồn lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này để đồng hành cùng với tỉnh trong quá trình cụ thể hóa định hướng phát triển hydrogen. Đại diện Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết địa phương đang có chủ trương thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư khi tham gia xây dựng dự án Hydro tại địa phương như hỗ trợ thuê đất, thủ tục hành chính và các ưu đãi liên quan khác để phát triển dự án nhằm tận dụng tối đa lợi thế của địa phương. 

 Các đại biểu nhất trí nên xây dựng hệ sinh thái cho nền công nghiệp Hydrogen từ khâu sản xuất, phân phối và sử dụng; các tỉnh cần có liên kết để tạo thành chuỗi phát triển bền vững trong tương lai.