z

Công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời giúp kéo dài thời gian bảo quản hàng nông – thủy sản

Ngày 10/2, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bến Tre phối hợp cùng Sở Công Thương Bến Tre tổ chức hội thảo giới thiệu công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời cho một số mặt hàng nông – thủy sản.
Đại biểu tham dự hội thảo giới thiệu công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời cho một số mặt hàng nông – thủy sản tại Bến Tre
Đại biểu tham dự hội thảo giới thiệu công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời cho một số mặt hàng nông – thủy sản

Theo PGS. TS Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, địa phương có hệ sinh thái đa dạng gồm mặn, lợ và ngọt phù hợp với sự đa dạng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, với kinh tế vườn và kinh tế biển đóng vai trò chủ đạo.

Tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Bến Tre là 180.000 ha; trong đó, cây dừa đóng vai trò chủ lực với hơn 73.000 ha, cây ăn trái trên 26.000 ha và trên 16.000 ha lúa chuyên canh và lúa một vụ.

Ở lĩnh vực thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 45.000 ha; trong đó, có hơn 12.000 ha nuôi theo phương thức thâm canh (với 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao) và trên 2.000 tàu đánh bắt thủy sản xa bờ; với sản lượng thủy sản hàng năm khoảng trên 500 ngàn tấn.

Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 4-4,7%/năm. Tuy nhiên, phần lớn nông thủy sản Bến Tre vẫn tiêu thụ ở dạng sản xuất thô, sơ chế, tươi sống,… giá trị kinh tế và cạnh tranh trên thị trường không cao, đặc biệt sự hư hỏng nhanh sau khi thu hoạch.

Công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời giúp kéo dài thời gian bảo quản hàng nông - thủy sản
GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM thuyết trình tại hội thảo.

Công nghệ sấy là một trong những phương pháp giúp giảm hàm lượng ẩm có trong nguyên liệu; từ đó làm giảm hoạt độ của nước, ức chế các biến đổi do có sự hiện diện của nước như: sự phát triển của vi sinh vật, sự xúc tác của các enzyme.

Việc ứng dụng công nghệ sấy, trong đó chú trọng đến sấy năng lượng mặt trời theo phương thức mới, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần kéo dài thời gian bảo quản nông, thuỷ sản; hỗ trợ chế biến nông, thuỷ sản thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời giải quyết được một trong những vấn nạn của ngành nông nghiệp là tồn đọng nông sản và nghịch lý được mùa, mất giá không chỉ ở Bến Tre mà còn ở nhiều địa phương khác trong cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM cho rằng, Việt Nam có lợi thế là một trong những nước nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất năm trên bản đồ bức xạ của thế giới cung cấp. Đồng thời dải bờ biển dài trên 3.600km có hàng nghìn hòn đảo hiện có cư dân sinh sống trong khi đó điện lưới quốc gia không thể đến đó.

Chính vì vậy, sử dụng năng lượng mặt trời ở Việt Nam như một nguồn năng lượng thay thế tại chỗ cho sản xuất điện năng truyền thống đáp ứng nhu cầu của dân cư đảm bảo kinh tế an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, hiện nay 80% người nông dân vẫn sử dụng phương pháp phơi sấy tự nhiên. Đây là phương pháp dễ thực hiện, chi phí thấp, nhưng nhược điểm là bị ảnh hưởng yếu tố thời tiết, an toàn vệ sinh, hao hụt cao, tốn nhân công…

Trước thực tế đó, rất cần thiết tăng cường ứng dụng công nghệ, đưa các thiết bị sấy vào quá trình chế biến, bảo quản nông sản. Thiết bị sấy hiện đại có thể hạn chế các nhược điểm của phơi sấy tự nhiên, tuy nhiên chi phí đầu tư cao và tốn nhiên liệu. Máy sấy năng lượng mặt trời là một giải pháp hữu hiệu có thể giải quyết bài toán trên, với việc tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời để sấy các loại nông, thủy, hải sản.

Bên cạnh đó, máy sấy năng lượng mặt trời sử dụng nguyên lý hiệu ứng nhà kính. Do đó, lượng nhiệt mặt trời khi đã vào bên trong buồng sấy thì không thể nào thoát ra được, giúp tiết kiệm chi phí vận hành so với các dòng máy sấy động hay tĩnh khác hoặc so với các loại lò sấy đốt than, củi, trấu…

Đồng thời, giúp rút ngắn thời gian sấy, không lo tốn điện, không phụ thuộc vào thời tiết. Thiết bị sấy năng lượng mặt trời có thể sấy được đa dạng rất nhiều sản phẩm khác nhau. Điển hình như thực phẩm: hoa quả, nông, thủy, hải sản, bún, bánh… Đặc biệt, thiết bị còn có thể sấy các sản phẩm khác như phân bón, vật liệu từ giấy, lá cây…

Cũng tại hội thảo, một số doanh nghiệp cũng giới thiệu một số dòng sản phẩm như: Mấy sấy năng lượng mặt trời kết hợp công nghệ sấy nhiệt, mấy sấy năng lượng mặt trời kết hợp công nghệ… Đây là dòng máy sấy tích hợp cùng lúc 2 công nghệ sấy trong 1 máy có thể sấy được đa dạng rất nhiều sản phẩm khác nhau. Điển hình như thực phẩm: hoa quả, nông – thủy – hải sản, bún, bánh phồng tôm, thực phẩm, lạp xưởng, dược liệu (chùm ngây, trà, hoa hồng, hoa cúc,….) , gia vị (hoa hồi, quế, tiêu, …) … Đặc biệt, thiết bị còn có thể sấy các sản phẩm khác như phân bón, vật liệu từ giấy./.

Theo báo Tầm nhìn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

showroom