1. Điện mặt trời mái nhà là gì?

Điều 3 của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg quy định: “Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của bên mua điện”.

  1. Chi phí cho một hệ thống điện mặt trời mái nhà như thế nào?

Hệ thống ĐMTMN gồm các tấm quang năng, bộ chuyển đổi điện (inverter) và các dây nối cũng như là hệ thống bảo vệ, chống sét. Chi phí dành cho vật tư chính chiếm từ 60-70%. Giá vật tư chính phụ thuộc vào loại vật tư, giá rẻ, phổ thông hay cao cấp; đặc biệt là tấm pin mặt trời, bộ hòa lưới. Có nhiều loại pin năng lượng mặt trời, kể cả 1 hãng sản xuất cũng có nhiều cấp độ sản phẩm, phổ thông và rẻ nhất là Poly/ Poly Perc, cao hơn là Mono/ Mono Perc hay cao cấp là Mono N-Type… Giá các sản phẩm này còn tùy thuộc vào uy tín nhà sản xuất, thông số kỹ thuật của sản phẩm, chế độ bảo hành, các chứng chỉ chứng nhận của sản phẩm…

Vật tư phụ chiếm từ 20-30% giá trị hợp đồng: các thiết bị sử dụng trong tủ điện, các loại thiết bị CB, cầu chì, cắt lọc sét, dây dẫn chuyên dụng cho điện mặt trời.

Giá thi công chiếm 5-15% tổng giá trị hợp đồng: Mái tôn sẽ ít tốn chi phí nhất, sau đó là mái bằng, mái ngói.

Giá đầu tư 01 kWp hiện nay dao động từ 13-18 triệu đồng tùy thuộc vào quy mô và xuất xứ của các loại thiết bị.

  1. Ưu điểm của điện mặt trời mái nhà như thế nào?

Điện mặt trời mái nhà là dạng năng lượng đem lại lợi ích cho cả 2 bên: cho nhà nước và cho chính chủ hộ. Điện mặt trời mái nhà có công suất thường nhỏ, nối với hệ thống đường dây phân phối của hệ thống điện. Đối với nhà nước không cần tiền đầu tư nguồn và đường dây truyền tải mà vẫn có điện. Đối với hộ gia đình, điện mặt trời mái nhà giúp hộ gia đình tiết kiệm chi phí tiền điện, giảm tải áp lực trả tiền điện bậc cao với những hộ sử dụng nhiều điện.

– Góp phần giảm tiêu thụ điện cho hộ gia đình đặc biệt số tiền điện phải trả ở thang bậc cao.

– Tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình vì có thể bán lượng điện dư thừa sau khi sử dụng cho EVN.

– Thời gian hoàn vốn: 3 đến 5 năm. Tùy thuộc vào công suất lắp đặt và lượng điện sử dụng trong hộ gia đình.

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, điện mặt trời mái nhà còn có 1 số lợi ích khác:

  • Bảo vệ mái nhà, làm mát mái nhà, đặc biệt vào mùa hè
  • Thân thiện với môi trường, quá trình tạo ra điện không gây phát thải CO2 ra môi trường.
  1. Những nhà nào, khu vực nào thì thích hợp với điện mặt trời mái nhà?

Lượng bức xạ mặt trời tại Việt Nam là một yếu tố quyết định sản lượng điện mặt trời. Từ bản đồ bức xạ mặt trời tại Việt Nam có thể thấy, khu vực nào cũng có tiềm năng về điện năng lượng mặt trời. Tại khu vực miền Nam, lượng bức xạ mặt trời vào mùa mưa tuy thấp hơn mùa khô một chút nhưng nhìn chung ở mức ổn định. Ở khu vực miền Bắc, lượng bức xạ mặt trời vào mùa Hạ và mùa Thu tương đương khu vực miền Nam, nhưng vào mùa Đông và mùa Xuân chỉ còn khoảng 40-60%. Tuy nhiên, sử dụng điện trong các hộ gia đình vào hai mùa này cũng ít hơn nhiều so với 2 mùa nóng (vì sử dụng thiết bị làm mát).

Tại khu vực Hà Nội lượng cường độ bức xạ và tổng xạ không hề nhỏ, lắp đặt điện mặt trời hòa lưới là giải pháp phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Khu vực Tây Bắc cũng có tiềm năng năng lượng mặt trời vào loại khá trong toàn quốc, nhất là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai…

Còn ở miền Nam, từ Đà Nẵng trở vào, tiềm năng điện mặt trời tốt nhất với số giờ nắng trong năm và tổng lượng bức xạ mặt trời rất cao. Trừ những ngày có mưa rào, có thể nói trên 90% số ngày trong năm đều có thể sử dụng năng lượng mặt trời cho sinh hoạt.

Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo sạch, không gây ô nhiễm môi trường và có trữ lượng vô cùng lớn (có thể xem như vô tận). Điện mặt trời đang được Nhà nước khuyến khích phát triển, được kỳ vọng sẽ góp phần thay thế các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ sinh thái, chống lại biến đổi khí hậu và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Dựa vào bản đồ bức xạ mặt trời tại Việt Nam, các hộ gia đình, doanh nghiệp có thể thấy rõ tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời ở trong từng khu vực cụ thể, từ đó đưa ra quyết định đầu tư hợp lý nhất.

Đối với hộ gia đình: Diện tích mái nhà tối thiểu 6 – 7m2/kWp. Nếu gia đình lắp đặt hệ thống 3kWp cần có diện tích mái là 21m2. Không gian nơi lắp đặt cần không có bóng che khuất bởi cây cối, hay các công trình xây dựng khác

  1. Lợi ích của hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà (ĐMTMN) như thế nào?

Điện mặt trời mái nhà là dạng năng lượng đem lại lợi ích cho cả 2 bên: cho nhà nước và cho chủ đầu tư (hộ gia đình và doanh nghiệp). Điện mặt trời mái nhà có công suất thường nhỏ, nối với hệ thống đường dây phân phối của hệ thống điện. Đối với nhà nước không cần tiền đầu tư nguồn và đường dây truyền tải mà vẫn có điện. Đối với hộ gia đình, điện mặt trời mái nhà giúp hộ gia đình tiết kiệm chi phí tiền điện, giảm tải áp lực trả tiền điện bậc cao với những hộ sử dụng nhiều điện.

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, điện mặt trời mái nhà còn có một số lợi ích khác:

  • Bảo vệ mái nhà, làm mát mái nhà, đặc biệt vào mùa hè
  • Thân thiện với môi trường, quá trình tạo ra điện không gây phát thải CO2 ra môi trường.
  1. Muốn lắp đặt điện năng lượng mặt trời mái nhà bước đầu tiên cần làm gì và liên hệ ở đâu?

Theo văn bản số 6948/EVN-KD ngày 19/10/2020 hướng dẫn thực hiện phát triển ĐMTMN theo quyết định 13/2020/ QĐ-TTg của Tập đoàn điện lực Việt Nam:

  • Bước 1: Liên hệ với Điện lực địa phương xem khả năng có lắp được công suất như chủ nhà đề nghị hay không bởi vì tổng công suất lắp ĐMTMN phụ thuộc vào dung lượng của trạm biến áp tại khu vực đó.
  • Bước 2: Nếu được chấp nhận, tiến hành tìm nhà Thầu cung cấp thiết bị và nhà Thầu thi công và tiến hành lắp.
  • Bước 3: Điện lực địa phương kiểm tra kỹ thuật hệ thống, nếu đạt yêu cầu, phía Điện lực sẽ ký hợp đồng với chủ nhà.
  1. Hàng tháng bán điện cho ai? Và hình thức trả tiền như thế nào?

Theo quy định hiện nay ở quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, điện mặt trời mái nhà được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong vòng 20 năm kể từ khi ký kết hợp đồng với EVN địa phương. Hàng tháng tiền điện tương ứng với điện lượng bơm vào lưới trong tháng được chuyển khoản vào tài khoản của chủ hộ đã ghi trong hợp đồng.

Giá điện năng lượng mặt trời bán cho EVN mới nhất theo cơ chế FIT 2 (Quyết định 13/2020/QĐ-TTg) là 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh. Giá này chưa tính VAT, được áp dụng đến 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Cơ chế ưu đãi đầu tư điện năng lượng mặt trời này kết thúc đăng ký mới vào ngày 31/12/2020.

  1. Có phải lắp điện năng lượng mặt trời thì không cần sử dụng điện của điện lực phải không?

Không hoàn toàn như vậy. Hệ thống ĐMTMN chỉ phát điện khi có nắng có nghĩa là ban ngày. Hệ thống ĐMTMN nối lưới không có ắc quy dự trữ nên vào buổi tối khi hệ thống ĐMTMN không phát ra điện, do đó hộ gia đình phải dùng điện từ lưới trừ trường hợp buổi tối không dùng điện.

Nếu đầu tư ắc quy để lưu trữ điện thì giá điện mặt trời rất đắt, ước tính lên đến 15.000 đồng/kWh. Vì vậy hệ thống ĐMTMN có ắc quy lưu trữ chỉ dùng ở những vùng không nối được lưới điện.

  1. Hệ thống điện mặt trời mái nhà hoạt động như thế nào?

Hình vẽ dưới đây thể hiện sơ đồ một hệ thống điện mặt trời nối lưới.

Hệ thống ĐMTMN gồm các tấm quang năng, bộ chuyển đổi điện (inverter) và các dây nối cũng như là hệ thống bảo vệ, chống sét. Các tấm quang năng phát ra điện một chiều. Bộ chuyển đổi điện (inverter) biến điện một chiều thành điện xoay chiều 50Hz, 1 pha (hoặc 3 pha) để phù hợp với lưới điện nối vào. Ngoài ra bộ chuyển đổi điện còn làm nhiệm vụ điều tiết công suất như sau:

  • Khi công suất sử dụng của hộ gia đình lớn hơn công suất của hệ thống ĐMTMN, bộ chuyển đổi điện ưu tiên sử dụng toàn bộ ĐMTMN trước, còn thiếu thì lấy thêm từ lưới.
  • Khi công suất sử dụng của hộ gia đình nhỏ hơn hoặc bằng công suất của hệ thống ĐMTMN, bộ chuyển đổi điện ưu tiên sử dụng ĐMTMN trước, còn thừa thì bơm vào lưới.

Như vậy ĐMTMN luôn ưu tiên dùng điện “của nhà” trước.

  1. Lắp pin năng lượng mặt trời trên mái nhà có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con người không?

Việc ảnh hưởng đến sức khỏe con người được hiểu gồm các tác động sau:

  • Tác động từ các chất ô nhiễm của hệ thống ĐMTMN
  • Tác động từ ảnh hưởng cháy nổ của hệ thống ĐMTMN

Về tác động các chất ô nhiễm:

Như đã nói trên, hệ thống ĐMTMN gồm các tấm quang năng, bộ chuyển đổi điện (inverter) và các dây nối cũng như là hệ thống bảo vệ, chống sét. Trừ các tấm quang năng, các thiết bị còn lại cũng có trong bất kỳ một hệ thống điện nào khác và các thiết bị này không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tấm quang năng có cấu tạo như hình vẽ dưới đây.

Xem hình vẽ cho thấy ngoài khung nhôm và hộp đấu nối, tấm quang năng thường có 5 lớp. Trong số 5 lớp này, chỉ có lớp tế bào quang điện, dầy khoảng 0,2mm, là có thể chứa những chất có thể gây ra ô nhiễm môi trường. Còn những lớp khác là những vật liệu thông thường sử dụng hàng ngày là kính, nhựa, nhôm, không chứa chất độc hại.

Tấm tế bào quang điện nằm ở giữa, các lớp nhựa và kính bao quanh để bảo vệ lớp tế bào quang điện khỏi tác động ngoại lực và không cho nước và chất khí thấm vào bên trong, làm hỏng tế bào quang điện. Trong khi vận hành, nước và không khí chỉ tiếp xúc với kính, nhựa và nhôm. Vì vậy có thể nói là khi sử dụng, tấm quang điện không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tấm quang năng khi hết hạn sử dụng sẽ được thu gom và tái chế như một số nước đã làm.

Tác động từ ảnh hưởng cháy nổ của hệ thống ĐMTMN: cũng giống như các hệ thống điện khác, hệ thống ĐMTMN phải được thiết kế chống cháy nổ và chống sét. Nếu không được thiết kế chống cháy, nổ, chống sét đều có thể gây ra các sự cố.

  1. Nếu lắp pin năng lượng mặt trời kết hợp làm nông nghiệp, vậy có những cây hoặc nuôi con gì thích hợp phía dưới pin?

Điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp (trồng trọt) mới được SNV nghiên cứu lý thuyết. Kết quả cho thấy rằng một số cây chịu bóng râm cao và trung bình đem lại hiệu quả kinh tế ở bảng sau.

 

Chịu bóng râm cao

Chịu bóng râm trung bình

lettuce (xà lách)

leek (tỏi tây)

spinach (rau bina)

Onion (hành tây)

kale (cải xoăn)

Carrot (cà rốt)

swiss chard (cải cầu vồng)

beet (củ cải)

mustard (mù tạc)

Potato (cà chua)

parsley (mùi tây)

radish (củ cải)

coriander (mùi ta)

Watermelon (dưa hấu)

mint (bạc hà)

Polyscias fruticosa

cauliflower (súp lơ trắng)

 

broccoli (súp lơ xanh)

 

cabbage (cải bắp)

 

brussels sprout (cải brussels)

 

pea (đậu hà lan)

 

bush bean (đậu cô ve)

 

Basil (húng quế)

 

Beefsteak plant

 

Hiện nay GreenID đang thí nghiệm thực tế lắp pin mặt trời kết hợp với trồng măng tây tại An Giang và cho đến nay (tháng 12/2020) chưa có kết quả cuối cùng.

  1. Sóng hài từ dòng điện của hệ thống ĐMTMN có ảnh hưởng gì đến các thiết bị sử dụng sử dụng điện trong gia đình?

Không chỉ hệ thống ĐMTMN có sóng hài mà ngay cả hệ thống điện quốc gia cũng có sóng hài. Thông tư 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 của Bộ Công Thương quy định về sóng hài. Trước khi ký hợp đồng với Điện lực địa phương, Điện lực địa phương phải kiểm tra chất lượng điện trong đó có yêu cầu về sóng hài. Nếu đạt chuẩn thì hệ thống mới được nghiệm thu và mới được Điện lực ký hợp đồng. Vì vậy cần lắp thiết bị chất lượng tốt.

  1. Hiện nay nhà nước có những chính sách gì để hỗ trợ cho người dân lắp pin năng lượng mái nhà?

Điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng mới được phát triển gần đây. Vì vậy cho đến nay vẫn thiếu rất nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ người dân lắp ĐMTMN. Hiện nay mới chỉ có quyết định số 13/QĐ-TTg quy định về giá điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent/1kWh. Quyết định này sẽ hết hiệu lực vào 31/12/2020 và chưa có chính sách mới thay thế.

  1. Được biết, trên thị trường có rất nhiều loại pin. Vậy loại pin nào thích hợp cho ba miền Việt Nam?

Các tấm quang năng gồm 3 loại: loại đa tinh thể (polycrystaline gọi tắt là poly), đơn tinh thể (monocrystaline, gọi tắt là mono) và màng mỏng (thin film). Ở Việt Nam chủ yếu là 2 loại poly và mono, chưa thấy loại màng mỏng (hình dưới)

Loại mono đắt tiền hơn loại poly nhưng hiệu suất cao hơn. Khi lắp đặt, chủ nhà cần tham vấn để chọn loại tấm pin phù hợp với giá cả và mang lại hiệu quả nhất.

Hiện chưa có phân loại cho tấm pin phù hợp với các vùng miền của Việt Nam.

  1. Khi lắp trên mái nhà vậy có ảnh hưởng gì đến kết cấu của mái nhà không?

Mỗi tấm pin có diện tích khoảng 2m2 và trọng lượng khoảng 24kg. Khi lắp trên mái, kết cấu mái phải chịu thêm tải trọng khoảng 12kg/1m2.

Theo tiêu chuẩn TCVN 2737:1995, đối với mái bê tông, tải trọng thiết kế đối với mái không sử dụng khoảng 70kg/1m2 và mái tôn khoảng 30kg/1m2. Việc lắp tấm pin tăng thêm tải trọng 12kg/1m2 nên cần kiểm tra kết cấu để đảm bảo an toàn.

  1. Hiện nay các chính sách bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành pin như thế nào?

Cho đến nay, chưa có tiêu chuẩn quốc gia về chính sách bảo trì và bảo hành pin mặt trời. Việc bảo hành tấm pin và inverter thường được các nhà cung cấp tự đưa ra, đối với tấm pin thường 12 năm và inverter là 5 năm.

  1. Lắp pin năng lượng mặt trời mái nhà có an toàn về điện cũng như an toàn phòng cháy chữa cháy không?

(Xem câu số 6)

  1. Xử lý tấm pin mặt trời hết thời gian sử dụng như thế nào?

Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (International Renewable Energy Agency – IRENA) đã thực hiện ở Mỹ, Đức và Nhật các thí nghiệm để xác định mức độ rò rỉ các chất từ tấm quang năng. Kết luận IRENA đưa ra là: Phần lớn các tấm quang năng thải ra, thuộc về loại rác thải điện tử thông thường.

Về thành phần vật liệu tái chế tấm quang năng, thì đối với nhóm silic, phần lớn là kính (76%), sau đó đến nhựa (khoảng 10%), nhôm (8%) và khoảng 1% là các kim loại khác. Còn đối với loại màng mỏng, thành phần chủ yếu là kính (89%), sau đó đến nhựa (4%), nhôm (6%) và các kim loại khác khoảng 1%.

Về công nghệ tái chế, đối với loại silic thì được tháo ra, 95% phần kính và 100% kim loại được tái sử dụng. Phần còn lại được xử lý nhiệt và qua một quá trình xử lý, khoảng 80% module và 85% silicon được tái sử dụng. Đối với loại màng mỏng, tấm pin được cắt ra. Sau một loạt quá trình xử lý, khoảng 95% chất bán dẫn và 90% kính được tái sử dụng.

Nói chung, sản phẩm tái chế pin mặt trời là những vật liệu khá đắt tiền như nhôm, kính cường lực, nên rất ít có khả năng đem tấm pin đi chôn lấp. Tuy nhiên hiện nay Việt Nam chưa có chính sách về quản lý và tái chế tấm pin mặt trời sau khi hết thời hạn sử dụng.

  1. Vệ sinh tấm pin có tốn chi phí không?

Vệ sinh tấm pin chủ yếu là lau rửa bề mặt tấm quang năng nhằm tận dụng bức xạ mặt trời tốt nhất. Tấm pin thường được lắp nghiêng theo hướng Bắc- Nam với góc nghiêng bằng với vĩ độ nơi lắp. Ở những nơi gần xích đạo, độ nghiêng tấm quang năng cũng được lắp nghiêng từ 10 độ đến 15 độ để tấm quang năng được rửa tự nhiên bằng nước mưa.

Mức độ cũng như tần suất vệ sinh tấm pin phụ thuộc vào mức độ bám bụi của tấm pin. Đối với ĐMTMN, ở những nơi gần mặt đường cần vệ sinh nhiều hơn so với ở trong ngõ.

Vệ sinh tấm pin đơn giản chỉ là xịt nước tấm pin cho hết bụi. Việc này không tốn quá nhiều chi phí.

  1. Inverter/ bộ biến tần cần để ở vị trí nào là tối ưu hiệu suất của hệ thống? Khi nó nóng quá thì cần làm gì?

Inverter/bộ biến tần/bộ chuyển đổi điện là một dạng máy biến áp khô, được lắp đặt tùy theo điều kiện từng hộ nhưng để đảm bảo tối ưu hiệu suất của hệ thống, inverter cần được lắp theo nguyên tắc chung như sau:

  • Lắp ở gần các tấm quang năng và ở gần điểm nối với lưới điện để giảm thiểu chiều dài dây nối nhằm giảm tổn thất điện năng.
  • Lắp ở những vị trí mát, thông gió tốt nhằm nhiệt độ làm việc của inverter cải thiện, tăng độ bền của thiết bị.

Cũng như các thiết bị điện khác, inverter được thiết kế với độ tăng nhiệt độ cho phép trong một khoảng nào đó theo tiêu chuẩn TCVN 6306-2 : 2006. Khi “nóng quá” nhưng nhiệt độ vẫn nằm trong giới hạn cho phép thì vẫn an toàn.

  1. Đối với khu vực trang trại chăn nuôi, do tác động của các chất ăn mòn, mái tôn thường phải thay thế khi sử dụng khoảng 5 năm. Vậy có thể lắp điện mặt trời trên mái được không và các tấm quang năng cần có yêu cầu gì?

Trả lời: Có thể lắp được.

Như đã trình bầy ở trên, chỉ có lớp kính, nhựa và các ốc vít của các tấm quang năng tiếp xúc với không khí. Chỉ có nhôm và các ốc vít có khả năng bị ăn mòn còn nhựa và thủy tinh thì không. Theo kinh nghiệm quốc tế, đối với các tấm quang năng lắp ở những khu vực không khí/nước có khả năng ăn mòn như trại chăn nuôi, khu vực gần biển người ta dùng khung bằng hợp kim nhôm và các ốc vít bằng thép không gỉ.

Khi thiết kế, người thiết kế cần xác định cụ thể môi trường đó gồm có chất ăn mòn gì, nồng độ chất ăn mòn là bao nhiêu để chọn loại khung và ốc vít thích hợp.

  1. Tấm pin mặt trời có dễ vỡ?

Các tấm pin mặt trời (Solar panel) hiện nay được chế tạo theo tiêu chuẩn IEC – 61215 có thể chịu được áp lực gió đến hơn 2400N/m2, chịu được mưa đá, ăn mòn hóa học, ăn mòn sương muối. Bề mặt tấm pin được bảo vệ bằng kính cường lực có chiều dày từ 3,2 – 4 mm. Chính vì vậy, tấm pin mặt trời rất khó vỡ.

Tuy nhiên, các tấm pin mặt trời được lắp đặt nối tiếp với nhau, nên nếu có 1 tấm pin bị hỏng, chuỗi các tấm pin chứa tấm pin hỏng sẽ dừng phát điện do hở mạch. Để khắc phục, chủ đầu tư cần tìm ra tấm pin hỏng để tách ra khỏi chuỗi vận hành, hoặc thay thế bằng tấm pin tốt.

Do đó, trong quá trình thi công, không nên lắp đặt các tấm pin thành một chuỗi nối tiếp quá dài, thay vào đó nên lắp đặt thành nhiều chuỗi ngắn song song, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng gây ra cho cả hệ thống khi có 1 tấm pin hỏng.

  1. Nếu các hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng không sử dụng hết có được bán lại cho các hộ gia đình khác hoặc bán lại cho EVN không? Bán như thế nào?

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020, theo đó EVN thực hiện thanh toán lượng điện năng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà phát lên lưới điện quốc gia theo giá mua điện là 1.943 đồng/kWh (tương đương 8,38 UScent/kWh). Mức giá mua này đang cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân của EVN đến khách hàng, đây là cơ chế ưu đãi để khuyến khích khách hàng đầu tư lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà.

Để khuyến khích các chủ đầu tư lắp đặt điện mặt trời có nhu cầu bán điện lên lưới điện, EVN đã chỉ đạo các Công ty Điện lực Điện lực tạo điều kiện hỗ trợ thủ tục đơn giản trong tiếp nhận, đấu nối hệ thống điện mặt trời, lắp đặt công tơ đo đếm hai chiều ghi nhận sản lượng phát lên lưới.

Bạn có thể tham khảo về các thủ tục chi tiết trên website chăm sóc khách hàng của các Tổng công ty Điện lực hoặc liên hệ đến Tổng đài chăm sóc khách hàng của các Tổng công ty Điện lực để được hướng dẫn chi tiết.

  • Hồ sơ thủ tục:

+ Giấy đề nghị bán điện (mẫu có sẵn của Điện lực), có thể tham khảo mẫu ở phụ lục 2 đường dẫn sau: https://cskh.cpc.vn/frm_NLTT.aspx

+ Hồ sơ kỹ thuật (nếu có): Tài liệu kỹ thuật về tấm pin quang điện, bộ Inverter; giấy chứng nhận xuất xưởng/chứng nhận chất lượng thiết bị của nhà sản xuất; các biên bản thí nghiệm các thông số kỹ thuật đáp ứng quy định hiện hành bởi một đơn vị có đủ năng lực.

+ Đối với dự án ĐMTMN có công suất ≥ 01 MWp: chủ đầu tư cần thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch phát triển điện mặt trời, thủ tục cấp phép hoạt động điện lực theo quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BCT, Thông tư số 36/2018/TT-BCT ngày 16/10/2018 của Bộ Công Thương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Về trình tự thủ tục để ký kết hợp đồng bán ĐMTMN cho Điện lực, có thể tham khảo theo nội dung ở đường link sau: https://cskh.cpc.vn/frm_NLTT_TrinhTuThuTuc.aspx.

  1. Những lưu ý khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà?
  • Mái nhà của bạn, doanh nghiệp của bạn có đủ chắc chắn cho việc đặt dàn cơ khí, tấm pin bên trên nó hay không?
  • Mặt bằng và diện tích mái có đủ điều kiện để lắp đặt hệ thống điện mặt trời hay không?
  • Hướng, góc của tấm Pin có hấp thụ bức xạ mặt trời tốt hay không?
  • Điều kiện tự nhiên, thời tiết ở khu vực bạn có phù hợp để lắp đặt điện mặt trời hay không?
  • Chất lượng lưới điện, đường dây truyền tải điện có phù hợp để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời hay không?
  • Lựa chọn nhà thầu, thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời
  • Lựa chọn thiết bị Inverter, Panel chất lượng
  • Chính sách bảo hành
  • Bạn có mua bảo hiểm cho hệ thống ?
  • Đừng quên bảo trì bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời!
  1. Trong những ngày mây mù, mưa, liệu có đủ điện để sử dụng sinh hoạt?

Trong những ngày nhiều mây, mưa, hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới vẫn hoạt động liên tục nhưng khi cường độ bức xạ mặt trời giảm thì sản lượng điện tạo ra cũng giảm. Tuy nhiên, các thiết bị điện sinh hoạt và sản xuất vẫn hoạt động ổn định, liên tục nhờ sự bổ sung của điện lưới khi cần thiết.

  1. Hiện nay có hiện tượng đua nhau lắp đặt điện mặt trời mái nhà? Hệ lụy của tình trạng này như thế nào?

Chất lượng sản phẩm không được kiểm định, giá đầu tư tăng cao do thị trường cung không đáp ứng cầu.

  1. Việc thiếu thông tin chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công lắp đặt, vận hành và bảo hành thiết bị… gây nhiều lo ngaị. Theo ông bà làm thế nào để người dân chọn được sản phẩm đạt chuẩn?

Mỗi đơn vị thi công điện mặt trời có năng lực, kinh nghiệm và tiêu chuẩn chất lượng riêng. Các công ty lớn còn có đội ngũ theo dõi giám sát hệ thống và đề xuất bảo trì bảo dưỡng định kỳ cho các hệ thống lớn để tăng tính hiệu quả của công trình. Vì thế, giá lắp điện mặt trời có thể khác nhau. Tuy vậy, tỉ lệ chi phí này không lớn, chỉ từ 5-15% đơn giá hệ thống. Do đó, bạn nên chọn các đơn vị có năng lực tốt, kinh nghiệm nhiều năm và đội ngũ lớn để có thể yên tâm về chất lượng & tuổi thọ của công trình.

  1. Theo ông bà để phát triển điện mặt trời mái nhà bài bản, nhà nước cần có chính sách gì?

Chúng ta có thể nhìn thấy chính sách thúc đẩy điện mặt trời mái nhà trong những năm qua được ban hành có giá trị trong thời gian ngắn, không ổn định dẫn đến nhà đầu tư hoang mang, nhu cầu lắp đặt nối lưới ồ ạt để kịp thời hạn của giá FIT, gây ra tình trạng cung không đáp ứng cầu và các kiểm soát chất lượng cần thiết của hệ thống cũng như chi phí đầu tư bị tăng giá. Rất cần một chính sách dài hạn để thúc đẩy Điện mặt trời mái nhà.