Ý kiến Chuyên gia

Những điểm thay đổi đáng chú ý trong dự thảo Nghị định mới về giảm nhẹ phát thải KNK & thị trường Carbon (Phần 1)

Những điểm thay đổi đáng chú ý trong dự thảo Nghị định mới về giảm nhẹ phát thải KNK & thị trường Carbon (Phần 1)

Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn, là văn bản pháp lý quan trọng trong thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 và cam kết mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam. Sau 02 năm triển khai thực thi tích cực, Bộ Tài nguyên môi trường đã tiếp tục điều chỉnh, bổ sung chi tiết hơn để nội dung Nghị định sát với thực tiễn và dễ dàng thực thi. Đồng thời, việc điều chỉnh, bổ sung sẽ củng cố nền tảng pháp lý vững chắc cho các bên liên quan trên hành trình chuyển đổi xanh. 

Bộ Tư pháp đang trong quá trình thẩm định dự thảo mới trước khi Chính phủ chính thức phê duyệt, ban hành. GREEN IN đã rà soát, phân tích căn cứ theo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Báo cáo đánh giá tác động chính sách được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp ngày 04/07/2024. 

Những nội dung thay đổi đáng chú ý liên quan tới quy định về giảm nhẹ phát thải KNK gồm: 

1. Tăng cường việc kiểm kê KNK, thẩm định kết quả kiểm kê 

[Nguyên nhân] Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, đối với báo cáo kiểm kê KNK của các cơ sở được phân bổ hạn ngạch thì cần có đơn vị độc lập chuyên nghiệp thẩm định để đảm bảo chính xác, minh bạch, khách quan.  

[Thay đổi] Khoản 6 Điều 11 được điều chỉnh để khắc phục theo hướng:  

  • Cơ sở không được phân bổ hạn ngạch phát thải thì báo cáo kiểm kê vẫn do cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh thẩm định. 
  • Cơ sở được phân bổ hạn ngạch thì báo cáo kiểm kê phải được đơn vị độc lập, chuyên nghiệp thẩm định. 

2. Bổ sung quy định về thẩm định Kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK 

[Nguyên nhân và Thay đổi] Nghị định 06 chưa quy định chi tiết về thẩm định kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK nên dự thảo Nghị định mới đã bổ sung quy định về trình tự, thủ tục thẩm định Kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK (giai đoạn 2026-2030) gắn liền với việc thẩm định kết quả kiểm kê KNK lần đầu. 

[Điểm chưa rõ ràng] Tuy nhiên có điểm chưa được rõ ràng đó là, dự thảo mới vẫn giữ nguyên quy định thời gian cơ sở phải nộp báo cáo kiểm kê KNK lần đầu là 31/3/2025 và nộp Kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK là 31/12/2025. Hai mốc thời gian này cách nhau khá xa (09 tháng). Do đó, quy định về việc thẩm định cùng lúc 02 văn bản này chưa hợp lý và đồng bộ. 

3. Bổ sung làm rõ điều kiện của đơn vị thẩm định báo cáo kiểm kê và kết quả giảm nhẹ phát thải KNK và quy trình cấp phép 

[Nguyên nhân] Nghị định 06 chỉ quy định về điều kiện đối với đơn vị thẩm định, chưa quy định về trình tự thủ tục và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.  

[Thay đổi] Điều 14 dự thảo Nghị định mới đã bổ sung chi tiết về thủ tục và hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đơn vị đủ điều kiện thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê và giảm nhẹ phát thải KNK.  

Đồng thời điều chỉnh các điều kiện đối với đơn vị thẩm định là: 

  • Có quyết định hoặc đăng ký thành lập hợp pháp 
  • Tổ chức được UNFCCC công nhận hoặc có TCVN ISO 14065;  
  • Tổ chức có kỹ thuật viên được UNFCCC cấp chứng  nhận hoặc có tiêu chuẩn ISO 14064-3 

4. Điều chỉnh đối tượng và thời điểm phân bổ hạn ngạch phát thải 

[Nguyên nhân] Nghị định 06 quy định rằng Chính phủ sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải KNK trong giai đoạn 2026-2030 cho tất cả (2166) cơ sở thuộc Quyết định 13/2024/QĐ-TTg. Tuy nhiên thực tiễn triển khai kiểm kê KNK trong giai đoạn đầu gặp khó khăn do nhiều cơ sở chưa cung cấp số liệu chi tiết nên thiếu căn cứ để xác định và phân bổ hạn ngạch. Đồng thời Bộ TNMT tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, trong giai đoạn đầu chỉ nên phân bổ hạn ngạch phát thải cho những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phát thải lớn. 

[Thay đổi] Điều 7.4 và Điều 12.2 dự thảo Nghị định mới đã điều chỉnh đối tượng phân bổ hạn ngạch phát thải giai đoạn đầu (từ năm 2025-2026) chỉ bao gồm 03 lĩnh vực phát thải lớn nhất là: nhiệt điện, sắt thép, xi măng. Từ năm 2027 trở đi, Chính phủ sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải cho các cơ sở khác còn lại.  

Các Bộ quản lý lĩnh vực có trách nhiệm phân bổ hạn ngạch phát thải cho các cơ sở thuộc sự quản lý của mình, thay vì Bộ Tài nguyên môi trường phân bổ cho tất cả cơ sở. 

(còn tiếp)

← Bài trước