Thông tin giảm phát thải

Tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở Gia Lai

Tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở Gia Lai

Gia Lai là một trong số các tỉnh có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có như năng lượng từ thủy điện, điện sinh khối, điện gió, điện Mặt Trời; riêng điện gió có tiềm năng rất lớn.

Những dự án điện gió với kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội du lịch cho Gia Lai. 

Gia Lai là một trong số các tỉnh có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có như năng lượng từ thủy điện, điện sinh khối, điện gió, điện Mặt Trời.

Riêng lĩnh vực điện gió, Gia Lai được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng gió rất tốt. Đến nay, tỉnh đã có 17 dự án điện gió của 16 chủ đầu tư được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với công suất 1.242,4MW. Kỳ vọng các dự án điện gió hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hút du lịch và tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

Theo ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, các dự án điện gió được đầu tư trên địa bàn tỉnh khi đưa vào vận hành sẽ góp phần tăng sản lượng điện hàng năm cho lưới điện quốc gia; đồng thời, đóng góp một phần trong giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa của địa phương. Mặt khác, các doanh nghiệp điện gió sẽ nộp các loại thuế theo quy định sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn.

Nếu quy đổi trung bình 1MW điện gió nộp ngân sách khoảng 550 triệu đồng, 17 dự án điện gió đang xây dựng có công suất 1.242MW sau khi được đưa vào vận hành thương mại (COD) sẽ đóng góp khoảng 680 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,6 % tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Những trạm biến áp đang được hoàn thiện phục vụ các dự án điện gió tại Gia Lai.

Tại huyện Kong Chro, có 3 dự án điện gió đang triển khai xây dựng là: Hưng Hải, Chơ Glong, Giang Trung với tổng 89 trụ tuabin đang trong giai đoạn lắp đặt trụ và cánh quạt. Các dự án này đã thu hút được hàng trăm lao động địa phương trong quá trình xây dựng.

[Hơn 100 nhà máy điện gió đăng ký đóng điện và hòa lưới]

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kong Chro, cho biết Kong Chro là một huyện miền núi khó khăn với tỷ lệ 70% dân số là người dân tộc Bahnar, 15% thuộc hộ nghèo. Những năm gần đây do hạn hán kéo dài, năng suất cây trồng giảm đáng kể, hiệu quả sử dụng đất rất kém. Vì vậy, hy vọng, khi các dự án điện gió xây dựng tại Kong Chro, chính quyền và người dân cơ bản đều đồng thuận và mong các dự án điện gió sớm đi vào hoạt động để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Ông Lê Văn Sơn, làng Klăh, xã Chơ Glong, huyện Kong Chro, Gia Lai, cho hay, việc đền bù các diện tích đất của người dân cao hơn nhiều lần giá thị trường cũng tạo cơ hội cho bà con tái đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Người dân được hưởng lợi về các đường giao thông của dự án trong việc vận chuyển nông sản mà trước đây nhiều khu vực giá nông sản thấp do không có đường vận chuyển đi bán.

Công tác xây dựng đang được đẩy nhanh tiến độ tại các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Để kịp đưa vào vận hành thương mại (COD) đúng tiến độ trước ngày 01/11/2021 (theo quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam), Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và các sở ban ngành và các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng và tiến hành công tác xây dựng các nhà máy điện gió.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Tiến Đông, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, hiện nay dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp turbine; kéo dài thời gian thi công, lắp đặt; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động xuất nhập cảnh của công nhân kỹ thuật và chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn. Từ đó, dẫn đến sự chậm trễ tiến độ thi công và ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ đưa các nhà máy điện gió vào vận hành thương mại.

Trong khi đó, với thời hạn giá FIT còn lại khoảng 3 tháng nên các chủ đầu tư dù tập trung huy động nhân lực, máy móc thi công nhưng sẽ rất khó đạt kịp tiến độ hoàn thành, đưa các nhà máy điện gió vào vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021 theo thời hạn.

Ngoài ra, việc vận chuyển thiết bị điện gió trên các tuyến giao thông từ các Cảng (Phú Mỹ, Cam Ranh, Quy Nhơn,..) về đến chân công trình gặp nhiều khó khăn do độ cao tĩnh không của đường dây điện, cáp viễn thông quá thấp cần phải nâng cao. Cùng với đó, nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ giao hàng do dịch COVID-19 ở nước sở tại.

Để tạo điều kiện tháo gỡ các khó khăn cho các nhà đầu tư, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép gia hạn thời gian thực hiện cơ chế giá bán điện đối với các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo cơ chế giá FIT tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018, đến hết ngày 31/12/2021.

Công tác xây dựng đang được đẩy nhanh tiến độ tại các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Ngoài Gia Lai, các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Quảng trị, Trà Vinh, Sóc Trăng cũng đã có những kiến nghị tương tự vì cùng chung những khó khăn bởi dịch COVID-19, nhưng đến nay, các tỉnh vẫn chưa được trả lời.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Gia Lai, danh mục các dự án điện gió và phương án đấu nối được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tỉnh Gia Lai có 16 dự án điện gió với tổng công suất 1.192,4MW.

Ngoài ra, dự án điện gió Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông, công suất 50MW được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035. Như vậy, tỉnh Gia Lai có 17 dự án điện gió với tổng công suất 1.242,4MW được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực./.

Theo Vietnamplus

← Bài trước Bài sau →