Năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định chọn ngày 22/4 hằng năm là Ngày Trái đất với mong muốn khuyến khích tất cả mọi người trên thế giới hiểu về tầm quan trọng và chung tay bảo vệ các giá trị của Trái đất.
Cho đến nay, Ngày Trái đất tổ chức rộng khắp các quốc gia, châu lục trong đó có Việt Nam với những chủ đề khác nhau, nhằm giải quyết vấn đề Trái đất đang gặp phải.
Giờ hãy cùng GREEN IN nhấn vào từng ảnh để khám phá thông điệp Ngày Trái đất qua các năm thôi nào!
2020: Climate action.
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thế giới trong tương lai. Theo như Liên Hợp Quốc, vào cuối năm 2020, nhiều quốc gia phải thúc đẩy các hoạt động nhằm thực hiện các cam kết quốc gia đã ký kết trong Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, “Climate action” – “Hành động vì khí hậu” được chọn làm chủ đề của Ngày Trái đất 2020, nhằm kêu gọi mọi người dân trên toàn thế giới cùng nhau thực hiện những hành động sáng tạo, đổi mới để giải quyết vấn đề về khí hậu trong tương lai.
2021: Restore Our Earth.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với đại dịch Covid 19, “Restore Our Earth” – “Khôi phục Trái đất của chúng ta” chính là chủ đề của Ngày Trái đất 2021 nhằm hướng tới khôi phục lại cuộc sống bình thường, khôi phục kinh tế và khôi phục Trái đất.
Chủ đề “Khôi phục Trái đất của chúng ta” tập trung vào quá trình tự nhiên, khẳng định rằng công nghệ xanh có thể phục hồi các hệ sinh thái trên thế giới. Theo cách này, chủ đề bác bỏ quan điểm: giảm thiểu hoặc thích ứng là cách duy nhất để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
2022-2023: Invest In Our Planet.
Chủ đề của Ngày Trái đất năm 2023 vẫn tương tự năm 2022, đó là “Invest in Our Planet” – “Đầu tư vào hành tinh của chúng ta”. Chủ đề này nhằm truyền tải thông điệp “Để có thể vực dậy xã hội năng động, phát triển thì việc cấp thiết nhất bây giờ chính là bảo vệ Trái đất khỏi ô nhiễm, giữ một môi trường xanh, sạch, đẹp”.
Để một tương lai xanh, thịnh vượng và công bằng trở thành hiện thực, các doanh nghiệp, chính phủ và xã hội phải hành động để chống lại khủng hoảng khí hậu.
2024: Planet vs. Plastics.
Chủ đề của Ngày Trái đất năm nay là “ Planet vs. Plastics” – “Hành tinh và Nhựa”, nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040.
Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế.
Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra, gây ra ô nhiễm môi trường.