Nằm trong chuỗi các hoạt động tại CHLB Đức, ngày 29/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp Đức: AHK đại diện cho Tập đoàn PNE, Tập đoàn ThyssenKrupp, Tập đoàn SkyWind, Tập đoàn Enertrag, Tập đoàn Green Solutions.
Tham gia buổi làm việc còn có Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh, đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương, gồm Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Điều tiết điện lực; Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững…
Các Tập đoàn đã đặt nhiều câu hỏi cho Bộ Công Thương về những cơ chế chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với các doanh nghiệp Đức
Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã cung cấp thông tin cụ thể cho các Tập đoàn về các chính sách cũng như ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực này.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang rà soát và hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện 8) theo các mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị COP26. Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên trong chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện 8 sẽ tập trung vào các nguồn sản xuất điện thân thiện với môi trường, cụ thể là các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và các nguồn điện sinh khối…
Thứ trưởng Đặng Hoàng An (giữa) thông tin với các doanh nghiệp Đức về chính sách phát triển và thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam
Theo định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phát triển năng lương tái tạo (bao gồm cả thủy điện) trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030, 25-30% vào năm 2045.
Các doanh nghiệp Đức quan tâm và đặt nhiều câu hỏi về lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam
Giai đoạn trước, Việt Nam đã áp dụng cơ chế giá FIT để khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang hoàn thiện các khung pháp lý cần thiết để tiến hành lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án theo các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan. Từ đó tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp.
Các Tập đoàn, doanh nghiệp Đức đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua. Chính vì vậy, Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp sẽ có sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam để được hưởng các chính sách ưu đãi từ nhà nước. Đồng thời đóng góp cho mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải của Việt Nam trong tương lai.
Theo báo Công thương