UBND tỉnh Bắc Kạn vừa chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiến hành đánh giá toàn diện, tổng thể các tác động về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái đối với các đề xuất đầu tư dự án thủy điện sau khi chỉ trong vòng hơn một năm đã có nhiều doanh nghiệp đề nghị đầu tư tới hàng chục dự án dạng này trên địa bàn.
Nhà máy thủy điện Nặm Cắt (Bạch Thông) có công suất 3,2MW, là một trong số ít các dự án được xây dựng trong những năm trước.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các ngành xem xét đánh giá toàn diện các mặt tác động về kinh tế, xã hội, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, bảo đảm môi trường sinh thái, năng lực của nhà đầu tư và tính khả thi của các dự án đề xuất. Trên cơ sở đó tham mưu văn bản cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy từng dự án, bao gồm cả diện tích đất dự kiến thu hồi.
Được biết, giai đoạn 2010 – 2018, Bắc Kạn chỉ có vài nhà đầu tư triển khai bốn dự án thủy điện nhỏ trên tổng số bảy vị trí nằm trong quy hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt. Năm 2020, sau khi tỉnh Bắc Kạn đề xuất, Bộ Công thương đã xem xét và phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện tại tỉnh thêm 10 vị trí ở các huyện, thành phố. Trong hai năm lại đây, tỷ lệ doanh nghiệp đề nghị thực hiện các dự án thủy điện nhỏ ở địa phương này tăng mạnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, tính đến tháng 9/2021, trên địa bàn tỉnh đã có tới bảy doanh nghiệp xin thực hiện 10 dự án thủy điện nhỏ ở các huyện: Pác Nặm, Bạch Thông, Na Rì, Chợ Mới, Ba Bể. Trong đó, có ba dự án đã trình UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư là thủy điện Nặm Cắt 2, thủy điện Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông); thủy điện Khuổi Thốc (huyện Na Rì) và thủy điện Pác Nặm (huyện Pác Nặm). Có sáu dự án đang xin ý kiến các ngành chuyên môn là thủy điện Khuổi Nộc 2, thủy điện Kim Lư (Na Rì); thủy điện Sông Cầu 2, thủy điện Sông Cầu 3 (Chợ Mới); thủy điện Công Bằng (Pác Nặm).
Một số dự án sau khi hoàn thành đã gây ra những bất cập, hạn chế, như: Nhà máy thủy điện Thác Giềng 1 (TP Bắc Kạn) trong quá trình chạy thử đã tích nước không theo quy trình, làm cạn kiệt sông Cầu, gây bức xúc trong nhân dân.
Thủy điện Pác Cáp (Na Rì) có vùng ngập nước rộng gây ảnh hưởng tới đi lại của nhân dân, phát sinh nhiều khiếu nại, kiến nghị tập thể về đền bù, giải tỏa mặt bằng và mất sinh kế khi đất sản xuất ngập nước. Trong quá trình thi công dự án này, Công ty Cổ phần thủy điện Sử Pán 1 còn tự ý tác động hơn 3,3ha đất rừng sản xuất mà chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, chuyển đổi. Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh đã xử phạt hành chính công ty 30 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng của diện tích đất rừng sản xuất trước khi vi phạm.
Tại địa bàn huyện Ba Bể, Công ty TNHH MTV thủy điện Hòa bình xanh Bắc Kạn đã đề xuất dự án thủy điện Sông Năng trên địa phận xã Bành Trạch. Trong quá trình thẩm định dự án này, các ngành chức năng đã có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể; ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy sông Năng và hoạt động canh tác nông nghiệp khu vực hạ lưu. Đồng thời, UBND huyện Ba Bể không nhất trí việc đầu tư dự án này.
Việc trên đoạn sông Cầu ngắn từ TP Bắc Kạn tới huyện Chợ Mới có tới bốn đề xuất dự án đầu tư thủy điện nhỏ cũng đang gây nhiều băn khoăn về việc bảo đảm dòng chảy tối thiểu phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, Trần Công Hòa cho biết, việc nhiều nhà đầu tư đề xuất các dự án thủy điện nhỏ cũng cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh đã có cải thiện rõ rệt. Hiệu quả kinh tế của các dự án này cũng là điều có thể đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, tỉnh Bắc Kạn sẽ xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo từng dự án để bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.
Theo Trung tâm Con người và Thiên nhiên