Xúc tiến cơ hội hợp tác ứng dụng công nghệ hydrogen sinh học trong ngành công nghiệp
Đại học Phùng Giáp, Đài Loan là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác GREEN IN trong hoạt động hợp tác quốc tế về giải pháp chuyển đổi xanh cho khối doanh nghiệp. Sáng ngày 12/12/2023 tại Trung tâm nghiên cứu APEC về công nghệ Hydrogen sinh học tiên tiến (ACABT), đoàn công tác đã trao đổi và làm việc với giáo sư Huang – ChiH LU và giáo sư Shu Yii WU – giám đốc điều hành APEC – ACABT.
Tại buổi gặp gỡ, Giáo sư LU đã giới thiệu với chúng tôi công nghệ sản xuất Hydorgen và khí Metan từ chất thải bằng phương pháp lên men và vi khuẩn (phụ phẩm nông nghiệp và nước thải công nghiệp). Đoàn công tác không chỉ được nghe trình bày mà còn được thăm quan trực tiếp phòng thí nghiệm và mô hình trình diễn tại trường. Những giải pháp này cũng đang được triển khai tại các doanh nghiệp ở Đài Loan mà đoàn công tác sẽ đến thăm trong những ngày tiếp theo. Giáo sư WU đã chia sẻ về hoạt động của APEC – ACABT, đây là diễn đàn hợp tác của các nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học của các quốc gia trong cộng đồng APEC. Diễn đàn gồm nhiều nhóm công tác về công nghệ và sản xuất hydrogen sinh học cũng như thúc đẩy hợp tác tăng cường năng lực với doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu trẻ. Hai bên đã thống nhất GREEN IN sẽ tham gia vào nhóm đối tác của doanh nghiệp với APEC – ACABT để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến phù hợp.
Vào buổi chiều cùng ngày, đoàn đến thăm công ty Yuarn Niring, đơn vị đang nghiên cứu và sản xuất máy nén khí hydrogen. Từ kinh nghiệm nhà phân phối, bảo hành, bảo trì máy nén khí của tập đoàn Atlas Copco, công ty đã mạnh dạn dầu tư nghiên cứu máy nén khí hydrogen dưới dạng công ten nơ để dễ dàng vận chuyển. Sản phẩm máy nén khí hydrogen loại @350 bar đã đến giai đoạn thương mại hóa. Công ty cũng đang nghiên cứu thế hệ máy nén khí hydrogen mới lên đến @700 bar. Đây là một giải pháp góp phần giải quyết bài toán về lưu trữ và vận chuyển hydrogen trong tương lai.
Cũng trong chuyến công tác, đoàn đã đến thăm quan trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên được xây dựng tại Đài Loan cách đây 3 năm. Trang trại điện gió này được xây dựng cách bờ 3km với 200 tua bin được lắp đặt và vận hành, dự án này được triển khai thành nhiều giai đoạn với công suất dự kiến lên đến 4000MW. Dự án này, chỉ nhập khẩu máy phát từ châu Âu, còn các thiết bị khác được sản xuất ngay tại Đài Loan.
Ngày mai đoàn công tác tiếp tục đến thăm các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp triển khai ứng dụng hydogen tại Đài Loan.