Ngày 10-2-2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bến Tre (Liên hiệp Hội) đã phối hợp cùng Sở Công Thương Bến Tre tổ chức hội thảo Giới thiệu công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời cho một số mặt hàng nông – thủy sản.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Quốc Bảo – Chủ tịch Liên hiệp Hội Bến Tre; Ông Nguyễn Văn Niệm – Phó Giám đốc Sở Công thương Bến Tre; PGS.TS. Lâm Văn Tân – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre; GS.TS. Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật TP. HCM; Ông Nguyễn Vũ Trang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tự động hóa TP. HCM; Bà Lê Hồng Loan – Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa TP. HCM; Ông Phạm Hoàng Hải Quân – Tổng GĐ Công ty Cổ phần Công nghệ Năng lượng bền vững Việt Nam; Đại diện Lãnh đạo Phòng Kinh tế tp Bến Tre, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre; Cùng với quý doanh nghiệp đến từ TP. HCM, quý doanh nghiệp tại Bến Tre.
Tham dự trực tuyến có ông Trần Đình Sính – Tổng GĐ Công ty CP Sáng tạo Xanh Việt Nam; Bà Vũ Thị Bích Đào – Đại diện Công ty CP Sáng tạo Xanh Việt Nam; Ông Nguyễn Trung Tín – Đại diện cộng đồng tỉnh An Giang, đại diện Hội phụ nữ, Hội Nông dân, các phòng kinh tế, kinh tế và hạ tầng các huyện và Tp. Bến Tre, quý báo đài, đại diện doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quốc Bảo – Chủ tịch Liên hiệp Hội Bến Tre nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng của kỹ thuật sấy khô hàng nông- thủy sản. Đây là biện pháp giúp tăng giá trị hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm sạch, theo yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, đảm bảo môi trường sản xuất an toàn. Do vậy, các ngành chức năng cần cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp những giải pháp ứng dụng công nghệ sạch, tiết kiệm và hiệu quả để chế biến sản phẩm. Hiện nay, công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời là giải pháp có hiệu quả, có thể đáp ứng các yêu cầu của qui trình sản xuất sạch, an toàn, đồng bộ.
GS.TS. Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp hội TP. HCM đã trình bày xu thế và hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời trong sấy nông sản. Ông nhấn mạnh: “Xét thấy năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, không gây ô nhiễm trong quá trình chuyển đổi. Vì thế theo Bộ Công thương, xét đến 2030 đặt mục tiêu và định hướng phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án năng lượng mặt trời tập trung ở các tỉnh phía Trung và phía Nam mang lại cho chính phủ và cộng đồng nhiều lợi ích. Để biến tiềm năng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời của Việt Nam thành hiện thực, bên cạnh các chính sách phù hợp và hiệu quả thì thực hiện chuyển đổi văn hóa bao gồm nâng cao nhận thức, hành vi tiêu dùng năng lượng mặt trời của người dân cũng rất quan trọng. Đây là cơ sở nền tảng để thực thi các chính sách năng lượng tái tạo, năng lượng xanh hiệu quả và bền vững”.
Thực tế cho thấy, 80% người nông dân vẫn sử dụng phương pháp phơi sấy tự nhiên. Đây là phương pháp dễ thực hiện, chi phí thấp, tuy nhiên nhược điểm là bị ảnh hưởng yếu tố thời tiết, an toàn vệ sinh, hao hụt cao, tốn nhân công… Trước thực tế đó, rất cần thiết tăng cường ứng dụng công nghệ, đưa các thiết bị sấy vào quá trình chế biến, bảo quản nông sản. Thiết bị sấy hiện đại có thể hạn chế các nhược điểm của phơi sấy tự nhiên, tuy nhiên chi phí đầu tư cao và tốn nhiên liệu.
Do vậy, máy sấy năng lượng mặt trời là một giải pháp hữu hiệu có thể giải quyết bài toán trên, với việc tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời để sấy các loại nông, thủy, hải sản. Máy sấy năng lượng mặt trời sau khi được triển khai sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí điện năng, làm tăng lợi nhuận khi bán thành phẩm. Thiết bị sấy năng lượng mặt trời có thể sấy được đa dạng rất nhiều sản phẩm khác nhau. Điển hình như thực phẩm: hoa quả, nông, thủy, hải sản, bún, bánh… Đặc biệt, thiết bị còn có thể sấy các sản phẩm khác như phân bón, vật liệu từ giấy, lá cây… Về mặt hiệu quả môi trường, giải pháp này đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do diễn ra trong môi trường kín, giảm thất thoát sản lượng trong quá trình sấy, đồng thời giảm phát thải khí CO2 giúp bảo vệ môi trường.
Ông Lâm Văn Tân – Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đã phân tích những yếu tố thuận lợi khi ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời để sấy hàng nông sản. Ông nói: “Công nghệ Sấy là một trong những phương pháp giúp giảm hàm lượng ẩm có trong nguyên liệu; từ đó làm giảm hoạt độ của nước, ức chế các biến đổi do có sự hiện diện của nước như: sự phát triển của vi sinh vật, sự xúc tác của các enzyme. Việc ứng dụng công nghệ sấy, trong đó chú trọng đến sấy năng lượng mặt trời theo phương thức mới, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần kéo dài thời gian bảo quản nông, thuỷ sản; hỗ trợ chế biến nông, thuỷ sản thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ; đồng thời giải quyết được một trong những vấn nạn của ngành nông nghiệp là tồn đọng nông sản và nghịch lý được mùa, mất giá không chỉ ở Bến Tre mà còn ở nhiều địa phương khác trong cả nước.”
Từ những phân tích những mặt bất lợi của phương pháp sấy kiểu cũ, ông Lâm Văn Tân khẳng định: “Cần phải khẳng định lại vai trò của một thiết bị sấy năng lượng mặt trời là cần thiết. Chỉ cần một thiết bị sấy năng lượng mặt trời đơn giản, hoặc một nhà giàn phơi nắng có thông khí tốt, tốc độ sấy sản phẩm có thể được cải thiện từ 30-50%. Tuy nhiên, chi phí đầu tư một hệ sấy năng lượng nhìn chung là còn cao so với thu nhập người dân. Để khắc phục trở ngại về kinh phí thì việc xây dựng hệ thống sấy năng lượng mặt trời theo từng giai đoạn có thể được áp dụng”.
Cũng trong buổi hội thảo này, ông Huỳnh Võ Hiếu Thiện (công ty Pavina Solar) đã giới thiệu một số mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời trong sấy khô hàng nông sản gồm: hệ thống sấy năng lượng mặt trời đơn giản, hệ thống sấy năng lượng mặt trời có quạt đối lưu, hệ thống sấy năng lượng mặt trời tích hợp trợ nhiệt.
Hội thảo cũng đã được nghe ông Phạm Hòang Hải Quân – Tổng Giám đốc công ty Công nghệ năng lượng bền vững Việt Nam trao đổi giải pháp ứng dụng công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời. Nhiều đại biểu tham dự hội thảo trực tiếp và trực tuyến đã nêu những thắc mắc xung quanh hiệu quả ứng dụng sấy bằng năng lượng mặt trời, chi phí đầu tư, chính sách hỗ trợ của nhà nước….
Sấy là biện pháp chế biến và bảo quản nông sản thông dụng, trong đó, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng thích hợp để sử dụng cho quá trình sấy đối lưu. Bến Tre là địa phương giàu nông thủy sản. Về cơ bản, địa phương đã ứng dụng phương pháp sấy trong chế biến nông thủy sản giúp tạo ra các sản phẩm mang giá trị gia tăng. Tuy nhiên, với quy mô chế biến nhỏ, sấy bằng phương pháp phơi nắng vẫn là chủ yếu. Đầu tư thiết bị sấy năng lượng mặt trời có thể được áp dụng để thay thế biện pháp phơi nắng truyền thống, giúp rút ngắn thời gian sấy cần thiết và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ông Lâm Văn Tân – Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đã cho biết: Có thể đầu tư nhiều giai đoạn để giảm thiểu gánh nặng về chi phí, đồng thời chọn sản phẩm sấy có giá trị gia tăng cao để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Sở Khoa học và Công nghệ sẵn sàng ủng hộ và hỗ trợ đối với các công nghệ hiệu quả có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại Bến Tre, trong đó có công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời để sấy một số nông thủy sản trên địa bàn tỉnh./.
Trúc Giang
(Theo Liên hiệp các hội Khoa học và Kĩ thuật tính Bên Tre)