“Để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ đã và đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết bằng việc ban hành nhiều quy định, chính sách, có tác động trực tiếp đến khối doanh nghiệp”, Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL cho biết.
Ngày 28/3, Công ty Cổ phần Sáng Tạo Xanh (GREEN IN) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội thảo ‘Chuyển dịch xanh: Thách thức, cơ hội cho doanh nghiệp ĐBSCL và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp‘ và “ Trưng bày mô hình, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH” tại Cần Thơ. Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến tác động từ chính sách giảm phát thải khí nhà kính trong nước và quốc tế tới doanh nghiệp ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu; phân tích thực trạng doanh nghiệp hiện nay trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính; các thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp ĐBSCL trong chuyển dịch xanh nhìn từ góc nhìn chuyên gia; tận dụng cơ hội từ thị trường carbon và kiểm kê phát thải carbon cho doanh nghiệp trong xu hướng chuyển đổi xanh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế… Với sự tham gia của 220 đại biểu đến từ các doanh nghiệp và sở ngành đại diện các tỉnh ĐBSCL, hội thảo mở ra cơ hội trao đổi đa bên hướng tới việc tìm ra những hướng đi hiệu quả hướng tới chuyển đổi xanh trong sản xuất.
“Chúng ta đã nghe khái niệm kinh tế xanh, chuyển đổi xanh hơn 10 năm nay, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh là vấn đề lớn, tương đối phức tạp” – ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL chia sẻ. Trong nước, chính phủ đã ban hành nhiều quy định giảm phát thải khí nhà kính”
Cụ thể là Nghị định 06/2022-NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định của 01/ 2022/QĐ-TTg yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê và có hành động giảm nhẹ phát thải phù hợp. Danh mục các đơn vị kiểm kê khí nhà kính quy định 1.912 doanh nghiệp sẽ phải kiểm kê khí nhà kính từ nay đến năm 2026,sẽ phải thực hiện với tần suất 2 năm 1 lần; bao gồm việc kiểm kê và lập kế hoạch giảm phát thải để có thể tham gia thị trường carbon sẽ được triển khai theo quy định vào năm 2028.
Hình 2: Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI ĐBSCL chia sẻ tại Hội thảo.
Trên thế giới cũng ngày càng thắt chặt đối với các mặt hàng xuất khẩu, nổi bật là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU). Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một công cụ nhằm áp một mức giá công bằng cho lượng khí thải carbon được phát ra trong quá trình sản xuất. Đặc biệt với hàng hóa có mật độ phát thải carbon cao đang được nhập khẩu vào EU, và khuyến khích sản xuất công nghiệp sạch hơn tại các quốc gia không thuộc EU. Khi CBAM chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải chịu thuế carbon khi xuất khẩu vào châu Âu, tức sản phẩm sẽ bị cạnh tranh về giá và chất lượng, tăng thêm chi phí.
Để giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện các quy định trong nước và quốc tế, GREEN IN mang tới hội thảo các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kiểm kê, lập báo cáo giảm khí thải nhà kính và tư vấn chiến lược phát triển bền vững. Từ đó đồng hành cùng doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ thị trường carbon để tối ưu chi phí về tài chính, kỹ thuật và giải pháp công nghệ…
Hình 3: Thảo luận bàn tròn “Mức độ quan tâm của Doanh nghiệp về giảm phát thải khí nhà kính, nhu cầu được hỗ trợ và kiểm kê khí nhà kính”.
Trong tương lai, GREEN IN sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình, hội thảo về kiểm kê khí nhà kính, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch và hành động kịp thời để tuân thủ quy định trong nước và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Quý doanh nghiệp có nhu cầu xin vui lòng liên hệ GREEN IN để nhận được các thông tin chương trình hỗ trợ kịp thời và gần nhất nhu cầu của doanh nghiệp.