Hoạt động đối tác tạo tác động

Xã Thạnh Xuân (Hậu Giang) đã xử lí chất thải sinh khối như thế nào?

Xã Thạnh Xuân (Hậu Giang) đã xử lí chất thải sinh khối như thế nào?

Vào ngày 1/6/2022, GREEN IN đã cùng Trung tâm công nghệ môi trường (ENTEC) trong chuyến đi khảo sát để thực hiện giải pháp cho chất thải sinh khối tại xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Dự án do ENTEC thực hiện được tài trợ bởi GREEN IN.

Quá trình phát triển kinh tế xã hội gây nhiều áp lực đối với môi trường, và tỉnh Hậu Giang không phải là ngoại lệ. Hiện trạng ô nhiễm môi trường do chất thải phát sinh từ hoạt động đô thị, nông nghiệp nông thôn ngày càng gia tăng và chưa thực sự có nhiều phương pháp xử lý hiệu quả ở diện rộng.

Nhằm nâng cao nhận thức về sự quan trọng của việc xử lý chất thải cũng như thúc đẩy các mô hình giải pháp để tăng cường phát triển xanh, ENTEC đã lựa chọn xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang để nghiên cứu và đưa ra các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo từ chất thải sinh khối.

Xã Thạnh Xuân là một xã phía Đông huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang với diện tích 17,55 km2 và mật độ dân số khoảng 11,000 người. Người dân trong xã chủ yếu làm nông và chăn nuôi. Do vậy việc xử lí chất thải sinh khối rất quan trọng trong việc đảm bảo môi trường và an sinh bền vững cho người dân.

Tới hộ gia đình của chị Hồng, hiện là chủ sở hữu của nhà máy xay xát chấu duy nhất ở trong xã. Hiện nay, cơ sở của chị là địa điểm duy nhất trong xã mà người dân có thể đem phụ phẩm nông nghiệp như chấu và cám đến để được xử lý và tái sử dụng. Chấu và cám sẽ được tập hợp và cung cấp trở lại cho các hộ nuôi trồng nông nghiệp hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm. 

Tới thăm quan mô hình hầm khí biogas tự sử dụng của nhà chị Hương, thể tích hầm 8m3. Hiện nay hầm giúp chị xử lý chất thải của đàn lợn chị nuôi với gần 100 con.

Chất thải của đàn lợn được chuyển hóa thành khí sinh học để gia đình nấu nướng và đun đốt. Gia đình chị là một trong số ít các hộ của xã áp dụng mô hình hầm biogas này.

Hiện nay, tại xã Thạnh Xuân, tuy người dân đã biết đến năng lượng tái tạo nhưng hầu như chỉ là điện mặt trời áp mái hay điện gió. Người dân chưa biết đến việc tái sử dụng chất thải từ trồng trọt, hay chăn nuôi một cách hiệu quả hơn để bảo về môi trường cũng như cải thiện điều kiện sống của bản thân.

Với các mô hình thực tế như trên, hi vọng người dân xã Thanh Xuân sẽ có thêm niềm tin và kinh nghiệm thực tế để việc thực hiện xử lí chất thải sinh khối vừa mang lại nguồn năng lượng tự cung tự cấp dồi dào cho mỗi gia đình, vừa giúp giải quyết các vấn đề môi trường và an sinh xã hội cho người dân.

← Bài trước Bài sau →