Theo chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải (Quyết định 876), và Đóng góp do Quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2022 (NDC 2022), ngành giao thông vận tải đã vạch ra các mốc thời gian, tiến trình cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải, hướng tới Net zero vào năm 2050. Như vậy, nhu cầu đào tạo nhân lực chuẩn bị sẵn sàng cho bước chuyển đổi điện khí hóa ngành giao thông là một trong ưu tiên hàng đầu (theo QĐ 876).
Đi từ suy nghĩ: Muốn có trò giỏi thì phải có thầy tốt, GREEN IN tổ chức khóa tập huấn “Giảng viên tương lai của ngành ô tô điện” dành riêng cho giảng viên ngành ô tô trong hai ngày 29-30/8/2023 tại Hà Nội. Chương trình diễn ra với sự tham dự của 22 giảng viên ngành ô tô từ các trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Trực tiếp đứng lớp tập huấn là 3 người thầy tới từ Đại học Bách khoa Hà Nội: PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô; TS. Lê Văn Nghĩa và TS. Nguyễn Thanh Tùng, Giảng viên chuyên ngành kỹ thuật ô tô, Khoa Cơ khí động lực.
Đề cao tính thực tế, sát nhu cầu của học viên, các nội dung tập huấn được thiết kế theo khảo sát trước đó của GREEN IN về nhu cầu thông tin của học viên cũng như yêu cầu đào tạo của ngành ô tô điện. Ngoài các nội dung cơ bản, tập huấn đan xen các kiến thức cập nhật nhất về xe tự hành, tình hình phát triển xe điện trên thế giới, học tập thực tế trên xe điện Vinfast VF8.. Và để tăng tính kết nối cũng như “nạp” năng lượng cho mỗi buổi học, GREEN IN đan xen nhiều trò chơi, hoạt động mềm xuyên suốt 2 ngày tập huấn. Thông qua các trò chơi này, Ban tổ chức mong muốn truyền tải một thông điệp: Chỉ bằng những cải tiến nhỏ, chính các thầy cô cũng có thể thay đổi phương pháp, cách thức tập huấn của mình theo hướng sáng tạo, đổi mới để tăng hiệu quả các chương trình dạy và học ngay trên giảng đường.
Với đặc thù ngành xe điện gắn liền học với hành, các học viên tham gia đều có chung mong muốn được học thực hành ngay trên sản phẩm thật. Vì vậy, sáng ngày hôm sau, lớp học thực tế trên xe Vinfast VF8 với sự hướng dẫn tận tình của thầy Phúc đã đáp ứng mong mỏi của các học viên. Chia sẻ thực tế trải nghiệm hàng ngày của thầy với chiếc xe điện càng làm lớp học sôi nổi và truyền cảm hứng hơn.
Trong hàng trăm đơn đăng kí tham dự chương trình, khóa tập huấn mới chỉ đáp ứng được 22 học viên – cũng chính là các thầy cô đang trực tiếp đứng trên bục giảng. Còn rất nhiều nhu cầu học tập, tập huấn vẫn còn đang bỏ ngỏ. Vì vậy, khóa tập huấn sẽ được tiếp tục tiếp nối bằng chương trình hỗ trợ sáng kiến tổ chức các tập huấn tương tự ở quy mô cấp vùng, địa phương. Để một khóa tập huấn được lan rộng ra thêm nhiều vùng, nhiều cụm địa phương cùng đồng hành với GREEN IN lan tỏa các kiến thức về ô tô điện. Mong rằng một ngày không xa, những kiến thức này sẽ được truyền tải vào trong các bài giảng, chương trình giảng dạy trong các đơn vị đào tạo về ô tô. Để tới khi ô tô điện phổ biến trên thị trường Việt Nam, nguồn nhân lực phục vụ cho cả ngành ô tô điện cũng sẽ đáp ứng những nhu cầu của thị trường – một trong các động lực giúp thị trường ô tô điện phát triển mạnh mẽ và toàn diện.