Theo lộ trình, đến năm 2025 nước ta sẽ thành lập sàn giao dịch carbon. Các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn cung tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao. Phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam xanh hoá nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.
Đường lớn đã mở cho thị trường tín chỉ carbon
PGS.TS Thái Văn Nam – Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH), cho biết Việt Nam đã tham gia vào thị trường tín chỉ carbon và hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được 1.200 tỷ đồng nhờ bán tín chỉ này.
Theo lộ trình, đến năm 2025 nước ta sẽ thành lập sàn giao dịch carbon. Năm 2023, trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Từ thành công nêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỷ lệ che phủ trên 42%. Việc chuyển nhượng tín chỉ carbon của Việt Nam được WB đánh giá rất cao.
Theo ông Nam, Việt Nam đã thực hiện một số cơ chế và chính sách để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả và bền vững nhằm giảm phát thải và trung hòa carbon. TS. Lê Hoàng Thế – Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS, cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nước tính đến năm 2022.
Nhằm giảm phát thải, Thủ tướng Chính phủ đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, phê duyệt đề án về những nhiệm vụ giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê – tan đến năm 2030.
Để dần hiện thực hóa khí phát thải bằng 0, hiện nay các quốc gia sử dụng 2 công cụ chính là thị trường tín chỉ carbon và thuế carbon. EU mới đây thông báo sẽ áp dụng mức thuế quan carbon lên các sản phẩm nhập khẩu vào khối này bắt đầu từ năm 2026. Theo đó, những doanh nghiệp nước ngoài khi xuất khẩu phải có những sản phẩm xanh, hữu cơ hoặc tín chỉ carbon. Nếu không sẽ bị áp thuế carbon ở mức cao.
Theo ông Lê Hoàng Thế, Ấn Độ và Trung Quốc đang là 2 quốc gia bán nhiều tín chỉ carbon nhất. Riêng tại Việt Nam, ước tính có khoảng 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao cho Việt Nam, với giá trị dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050.
Phát triển thị trường tín chỉ carbon đồng bộ và toàn diện
Trên thực tế, việc triển khai thị trường carbon được Chính phủ được biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng đề án, trong đó, Bộ Tài chính đóng vai trò quan trọng. Mới đây , Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã có những chỉ đạo về việc phát triển thị trường tín chỉ carbon đồng bộ và toàn diện.
Theo đó, đề án phải “trả lời” được câu hỏi về phạm vi triển khai, sản phẩm, mô hình hoạt động; từ đó tạo khuôn, môi trường pháp lý, năng lực tổ chức, cơ chế vận hành, yêu cầu năng lực kỹ thuật để thành lập, phát triển đồng bộ và toàn diện thị trường tín chỉ carbon; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể tham gia.
Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành đánh giá tác động của các công cụ kinh tế, tài chính, thuế, bảo đảm sự hài hòa trong nước với quốc tế, tính minh bạch trong trách nhiệm, quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon.
Trong đó, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ huy động sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, đội ngũ chuyên gia về cắt giảm phát thải khí nhà kính, kinh tế, tài chính, luật pháp quốc tế về biến đổi khí hậu; nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng việc hình thành các chính sách liên quan đến thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia khác; từ đó đề xuất cách tiếp cận, quan điểm, mục đích, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện đề án.
Ở góc độ cơ quan xây dựng chính sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cũng chia sẻ, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển của quốc gia, cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với quốc tế và xu hướng phát triển thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, góp phần tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước trong việc tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Đề án nhằm bảo đảm th�� trường tín chỉ carbon trong nước hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và thông lệ quốc tế; hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường tín chỉ carbon, tăng sức cạnh tranh của quốc gia theo hướng phát triển kinh tế phát thải ít carbon và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững.
Doanh nghiệp kỳ vọng sớm thành lập thị trường tín chỉ carbon
Trước yêu cầu của tăng trưởng xanh và áp lực thuế carbon, các doanh nghiệp có phát thải lớn hay doanh nghiệp xuất khẩu đã bắt đầu quan tâm tìm kiếm nguồn tín chỉ carbon.
Ông Hoàng Đức Vượng – Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam, cho biết các nước nhập khẩu lớn đã và đang có nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu xanh. Theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ: quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, sàn giao dịch carbon sẽ được vận hành thí điểm vào năm 2025 nhưng hiện nay, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đều bày tỏ quan tâm xem năng lượng xanh lấy từ đâu, trao đổi carbon ở đâu? Đây là hai câu hỏi lớn của nhà đầu tư thay cho vấn đề quan tâm trước đây của họ liên quan đến chi phí lao động.
Đồng thuận với quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, cũng bày tỏ nguyện vọng của các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng sớm ban hành chương trình giảm phát thải nhà kính theo lộ trình cụ thể, xây dựng bộ chỉ số xanh (green index), thành lập thị trường tín chỉ carbon cùng các chính sách phát triển năng lượng sạch, điện mặt trời mái nhà… Những kiến nghị này được xem là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xu thế kinh tế xanh đang phát triển mạnh mẽ tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp giao dịch tín chỉ carbon đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế độc lập theo cơ chế tự nguyện. Điển hình như một doanh nghiệp thành viên của Intraco đã nhận về hơn 20 triệu USD và chuyển giao cho đối tác là Citigroup hơn 1 triệu tín chỉ carbon, trong tổng số 7,9 triệu tín chỉ carbon sẽ chuyển giao trong các năm từ 2022 – 2024.
Bài viết được lấy từ Thời Báo Tài Chính Việt Nam: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-tiem-nang-du-dia-trien-khai-thi-truong-tin-chi-carbon-149628-149628.html