Ngày 1/3, tại Hà Nội, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn (Nghị định) đã họp tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT).
Nhiều vấn đề đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn; quy định về quản lý tín chỉ các-bon và tạo điều kiện phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) – Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập đã chủ trì cuộc họp. Tham dự có đại diện các đơn vị là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định theo Quyết định số 309/QĐ-BTNMT ngày 31/1/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trình bày các nội dung dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung, ông Nguyễn Văn Minh, Thư ký Tổ biên tập Nghị định cho biết: Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thị trường các-bon, dự kiến Nghị định sẽ bổ sung tiêu chí các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, cụ thể là hoạt động chăn nuôi, chế biến nông sản. Bên cạnh đó, bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính; xây dựng và triển khai kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Về phân bổ hạn ngạch khí nhà kính, Nghị định mới sẽ bổ sung quy định về cách thức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở, bao gồm quy định dựa theo lịch sử phát thải khí nhà kính của các cơ sở tham gia thị trường các-bon trong nước. Bên cạnh đó, bổ sung quy định ngưỡng phát thải của cơ sở bị áp trần phát thải; xác định lĩnh vực tham gia hệ thống giao dịch hạn ngạch ETS (có các cơ sở bị áp trần phát thải) cho giai đoạn hết năm 2027; quy định về nguyên tắc, lộ trình mở rộng phạm vi lĩnh vực, ngưỡng phát thải của cơ sở giai đoạn từ năm 2028 và sau 2030. Theo ông Minh, từ kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, giai đoạn đầu chỉ lựa chọn các lĩnh vực phát thải lớn và có đầy đủ cơ sở dữ liệu để tính toán xác định và phân bổ hạn ngạch như lĩnh vực: nhiệt điện, sắt, thép.
Về xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước, Nghị định sẽ quy định rõ các loại tín chỉ các-bon được bù trừ; bổ sung quy định hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ các-bon (cơ quan quản lý, cách thức đăng ký; đối tượng phải đăng ký, thông tin về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon phải báo cáo trên hệ thống…) và bổ sung quy định về quyền sở hữu tín chỉ các-bon.
Nghị định mới cũng sẽ bổ sung quy định về sàn giao dịch tự nguyện; quy định chi tiết vay, chuyển, thu hồi, nộp trả, trao đổi hạn ngạch, thời điểm được phép bán, thời hạn hiệu lực của hạn ngạch, phân bổ miễn phí, đấu giá; Bổ sung quy định về trao đổi tín chỉ các-bon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính với quốc tế cũng như quy định về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước…
Theo ông Minh, hiện nay, nhiều quốc gia mong muốn hợp tác thực hiện thỏa thuận trao đổi tín chỉ các-bon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính song phương với Việt Nam theo quy định Thỏa thuận Paris. Do đó, cần có quy định đảm bảo việc thực hiện thống nhất trong hoạt động hợp tác song phương. Bên cạnh đó, quy định mới cũng sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở phát thải khí nhà kính có thêm lựa chọn về tiêu chuẩn tín chỉ các-bon trong nước bên cạnh các tiêu chuẩn tín chỉ các-bon quốc tế.
Về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định mới sẽ bổ sung lộ trình quản lý các sản phẩm, thiết bị sản xuất, nhập khẩu sử dụng các chất được kiểm soát để công tác triển khai đồng bộ hơn. Bổ sung quy định về quản lý, giám sát các chất được kiểm soát sau khi tái chế. Đối với yêu cầu văn bằng, chứng chỉ đối với kỹ thuật viên, dự kiến sẽ bãi bỏ nội dung về “chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về thu gom và xử lý các chất được kiểm soát theo chương trình do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng”; bổ sung nội dung liên quan đến hoạt động cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho kỹ thuật viên làm việc trong lĩnh vực liên quan đến chất được kiểm soát.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng sẽ có thêm các quy định để hỗ trợ, khuyến khích triển khai thực hiện hoạt động tái chế các chất được kiểm soát, ttriển khai Cam kết làm mát toàn cầu mà Việt Nam tham gia tại Hội nghị COP 28.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ Giao thông vận tải, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng thảo luận, góp ý cho các vấn đề được đề xuất sửa đổi, bổ sung. Các ý kiến cho rằng, do có nhiều vấn đề mới nên Nghị định cần làm rõ hơn các khái niệm, phạm vi nêu trong Nghị định để phân rõ trách nhiệm quản lý của Bộ, ngành, địa phương và tạo thuận lợi khi tổ chức triển khai thực hiện.
Các quy định về thị trường các-bon cần rõ ràng cho các loại hàng hóa hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon, cũng như những nội dung đặc thù cho giao dịch trong nước và bán tín chỉ ra quốc tế. Trong đó, chú trọng đảm bảo các vấn về minh bạch để tránh xảy ra tình trạng tính trùng tín chỉ trong giao dịch. Nghị định cũng cần nêu rõ các lĩnh vực sẽ được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu triển khai thị trường.
Tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, ông Tăng Thế Cường cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 sẽ đảm bảo các cơ sở về chính trị, pháp lý và thực tiễn. Song song với xây dựng dự thảo Nghị định, trong thời gian tới, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định và các hồ sơ liên quan. Trong đó, xây dựng báo cáo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 06 để có căn cứ đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung; đảm bảo tuân thủ quy định xây dựng ban hành văn bản quy phạm về báo cáo tác động chính sách, kinh tế – xã hội…
Ông Cường cũng đề nghị thành viên Ban soạn thảo ở các cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ và trong Bộ TN&MT phối hợp cùng các đơn vị thuộc Cục Biến đổi khí hậu cùng hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định, đảm bảo thời hạn tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cục sẽ báo cáo kết quả cuộc họp tới Thứ trưởng Lê Công Thành, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định.
Bài viết được lấy từ báo Môi Trường: https://baotainguyenmoitruong.vn/sua-doi-bo-sung-mot-so-quy-dinh-ve-giam-nhe-phat-thai-va-bao-ve-tang-o-don-370358.html