SAU EU, DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT XANH SẼ HƯỞNG LỢI TẠI CÁC THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU NÀO?
Tiếp nối EU, các thị trường châu Mỹ, châu Úc cũng đang đưa ra các quy định “nhập khẩu xanh” nhằm giúp quốc gia đạt mục tiêu về khí hậu và tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong giảm phát thải khí nhà kính.
Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) của EU có lẽ đã không còn mới lạ với các doanh nghiệp xuất khẩu khi giai đoạn chuyển tiếp của nó đã chính thức bắt đầu từ ngày 1/10/2023 vừa qua. Và dự đoán của nhiều chuyên gia về việc các thị trường khác cũng sẽ đưa ra các quy định tương tự nay cũng sắp thành hiện thực.
02 dự luật về cơ chế tương tự EU CBAM tại Mỹ
Nghị sĩ Chris Coons (D-DE) đã trình dự thảo đạo luật có tên Fair, Affordable, Innovative, and Resilient (FAIR) Transition and Competition Act. Đạo luật đề cập việc sẽ xem xét và lượng hóa chi phí phát thải của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa gây phát thải lớn như nhôm, xi măng, sắt, thép, dầu và khí tự nhiên hoặc các sản phẩm có gánh nặng về chi phí môi trường lớn. Sau đó sẽ áp dụng mức tương tự với các hàng hóa nhập khẩu.
Nghị sĩ Sheldon Whitehouse cũng đệ trình đạo luật Cạnh tranh sạch, trong đó đề xuất sẽ áp dụng mức thuế cacbon là 55$/ tấn CO2 cho các hàng hóa gây phát thải lớn theo Environmental Protection Agency’s Greenhouse Gas Reporting Program. Và những hàng hóa nhập khẩu cũng phải chịu mức chi phí tương đương (đã được miễn trừ những khoản tiền mà nhà sản xuất hàng hóa đó đã bù trù theo cơ chế định giá cacbon tại nước sở tại).
Đề xuất cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon tại Canada
Từ năm 2020, Chính phủ Canada đã nghiên cứu và đề xuất áp dụng BCA (border carbon adjustments) nhằm giúp Canada đạt được các mục tiêu về khí hậu, đồng thời đảm bảo môi trường công bằng cho các doanh nghiệp. BCA được xây dựng với 4 mục tiêu chính:
- Chống rò rỉ các-bon khi các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư hoạt động sản xuất sang các khu vực có phí môi trường thấp hơn.
- Duy trì sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước bằng cách đảm bảo hàng hóa trong nước và nhập khẩu đều phải chịu mức phí các-bon tương tự nhau.
- Hỗ trợ tham vọng lớn hơn về khí hậu trong nước: Bằng cách tạo ra sân chơi bình đẳng giữa hàng hóa trong nước và nhập khẩu, BCA giúp các chính sách khí hậu có thể đạt mức tham vọng và hiệu quả hơn
- Thúc đẩy các hành động khí hậu quốc tế: BCA có thể thúc đẩy các quốc gia khác thực hiện các chính sách khí hậu trong nước mạnh mẽ hơn để tránh khiến hàng hóa xuất khẩu phải chịu chi phí BCA và duy trì khả năng tiếp cận thị trường này.
Trong động thái gần đây nhất, tháng 6/2023 vừa qua, Chính phủ Canada đã lấy ý kiến các bên liên quan về việc áp dụng BCAs.
Dự thảo ngăn chặn tình trạng rò rỉ cacbon tại Úc
Ngày 15/08/2023, trong bài phát biểu tại diễn đàn của các nhà kinh tế học, Bộ trưởng Bộ BĐKH và Năng lượng của Úc đã tuyên bố Chính phủ Úc sẽ phối hợp với các chuyên gia để nghiên cứu giải pháp ngăn chặn tình trạng rò rỉ cacbon tại nước này. Bộ trưởng cũng đề cập tới việc sẽ lấy CBAM của EU là khuôn mẫu nhưng sẽ xem xét và ban hành một chính sách phù hợp với bối cảnh của Úc.
Việc nghiên cứu, xem xét sẽ hoàn thành vào tháng 9/2024. Một bản dự thảo sẽ được thiết kế và công bố ngay sau đó để lấy ý kiến các bên liên quan.
Như vậy, tiếp nối với sự tiên phong của EU trong công cuộc ngăn chặn rò rỉ các-bon và đảm bảo mục tiêu khí hậu được thực thi, nhiều quốc gia lớn khác cũng đang có những hành động quyết liệt. Do vậy, nắm vững vấn đề phát thải của doanh nghiệp sớm sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tăng thế mạnh trong cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường EU mà còn ở các thị trường Mỹ, Canada, Úc… và tiến tới là nhiều thị trường khu vực khác.