Rào cản với sản phẩm không thân thiện môi trường
Đề cập đến việc EU áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong nhập khẩu hàng hóa, ông Cù Huy Quang – Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Bộ Công thương) cho hay, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Theo chương trình, sản xuất, tiêu dùng bền vững là một xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn nguyên vật liệu sơ cấp của chúng ta ngày càng cạn kiệt; đồng thời, cũng là yêu cầu “buộc” doanh nghiệp (DN) thích ứng với xu thế giảm thiếu carbon trong sản xuất.
“Việc nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững, sản xuất xanh cũng như phân phối xanh giúp các DN tiếp cận được với những xu thế trên thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và quy định trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, đây trở thành điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp của chúng ta” – ông Cù Huy Quang nhấn mạnh.
Từ ngày 1/10/2023, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa của EU chính thức có hiệu lực sẽ là thách thức, rào cản với sản phẩm không thân thiện môi trường, trong đó có sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để DN Việt Nam đổi mới tư duy chuyển hóa thành hành động trong việc sản xuất xanh để bắt kịp yêu cầu thị trường EU, khi Thỏa thuận xanh châu Âu đang là xu thế.
Theo các chuyên gia kinh tế, thỏa thuận xanh châu Âu có thể có tác động đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU theo nhiều cách, tùy thuộc vào bản chất của hàng hóa xuất khẩu và các biện pháp cụ thể được đưa ra theo thỏa thuận.
Thỏa thuận xanh châu Âu dự kiến sẽ tăng chi phí nhập khẩu có tác động môi trường cao, đồng thời thúc đẩy các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường hơn. Do đó, nếu hàng xuất khẩu của Việt Nam không thân thiện với môi trường có thể kém cạnh tranh hơn trên EU, trong khi những mặt hàng bền vững và thân thiện với môi trường có thể được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng.
Doanh nghiệp chủ động thích ứng với sản xuất xanh bền vững
Ở góc độ DN, ông Phạm Tùng Linh – Giám đốc điều hành, Tổng công ty Đức Giang cho rằng, sản xuất xanh là xu hướng bắt buộc đối với DN dệt may và nhiều ngành hàng khác khi XK vào EU. Việc đầu tư cho sản xuất xanh rất tốn kém, nên DN sẽ phải triển khai thực hiện từng bước một. Từ sử dụng nguyên phụ liệu, tái chế, thân thiện với môi trường, trong hoạt động sản xuất thì hướng đến sử dụng các nguồn năng lượng xanh, tiết kiệm điện và tiết kiệm nước; áp dụng các khoa học công nghệ tiên tiến như công nghệ AL vào vẽ mẫu 3D để giúp cho việc tiết kiệm nguyên phụ liệu, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.
Theo ông Trần Văn Quy – Tổng giám đốc Công ty Dệt may Trung Quy, DN đã đầu tư hơn 270 tỷ đồng vào nhà xưởng 10.000 m2 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Nhờ đó có thể tiến đến quy trình sản xuất xanh một cách nhanh chóng. Ở khâu nhuộm, dệt, DN có thể tiết kiệm 60 – 70% lượng nước so với công nghệ cũ, không chỉ giúp khép kín quy trình sản xuất, mà còn cung ứng kịp thời nguồn vải chất lượng, chuẩn quốc tế cho DN may mặc trong nước, với năng suất 2 triệu mét vải/năm. Mới đây, DN xuất khẩu 2 container vải có nguồn gốc sợi hữu cơ cho đối tác ở Mỹ.
Ông Đinh Sỹ Minh Lăng – Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, với mặt hàng nông sản, Việt Nam còn phải đối mặt với những khó khăn từ những quy định mới và khó trên thị trường EU. Đáng kể nhất là thỏa thuận xanh của EU về giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Trong đó, chiến lược từ nông trại đến bàn ăn đòi hỏi sự tuần hoàn của sản phẩm; cấm đưa vào lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng; cùng với đó là các tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong đó, xuất khẩu tiêu, điều, cà phê muốn vào EU thì phải được trồng ở những vùng trồng hợp pháp, chất lượng phải được kiểm soát, xanh sạch, thân thiện với môi trường. Để vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường này, ông Đinh Sỹ Minh Lăng cho rằng, DN, người sản xuất cần tiếp tục thay đổi các phương thức sản xuất xanh, bền vững để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, DN cần phải nắm rõ các quy định mới của châu Âu như quy định về phát triển bền vững, thoả thuận xanh, điều chỉnh biên giới CBAM, các quy định an toàn thực phẩm của EU.
_______________________________________
DN Việt cần phải lưu ý rằng, khi hàng hóa bị kiểm tra phát hiện ra việc sử dụng các chất cấm hoặc vượt ngưỡng theo quy định của EU thì hàng hoá sẽ bị trả về, đồng thời phía EU sẽ lập tức cảnh báo trên hệ thống của toàn EU và rút các sản phẩm đó khỏi kệ hàng, trả lại, tương lai các sản phẩm này rất khó để XK trở lại EU, ông Đinh Minh Lăng nhấn mạnh.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt từ tuân thủ sản xuất xanh Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Thỏa thuận xanh của châu Âu đặt ra những thách thức cho DN Việt Nam nhưng thỏa thuận cũng tạo ra các cơ hội phát triển mới. Các DN Việt Nam cần nhận thức rõ những thay đổi mà thỏa thuận sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng với những thách thức mới này để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU. Đồng thời, các DN cần thích ứng với xu hướng mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phần bền vững và thân thiện với môi trường để được hưởng lợi trong dài hạn. |
Theo Thời báo tài chính Việt Nam