Từ ngày 1/10/2023, 6 loại hàng hoá thải ra nhiều carbon nhất trong quá trình sản xuất được Liên minh châu Âu (EU) xác định là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hiđro sẽ được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo về tiêu chuẩn khí thải theo “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM).
Bắt đầu từ năm 2026, nếu lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn đặt ra, nhà sản xuất sẽ phải chịu đánh “thuế carbon” – theo mức giá carbon hiện nay tại EU nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này. Hàng hoá Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào khi EU áp dụng Cơ chế CBAM? Và đâu là việc cần làm từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường EU – đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam (thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam)?
Trong một số hội thảo gần đây về chuyển đổi xanh, nhiều chuyên gia cho rằng, “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM ) của EU có tác động trực tiếp đến 4 ngành công nghiệp chính của Việt Nam là sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm, đây không phải là những ngành xuất khẩu mạnh của nước ta sang EU, do đó, trong ngắn hạn, xuất khẩu tổng thể của Việt Nam sang EU sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Hội – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương, Bộ Công Thương đã dẫn chứng thực tế số liệu mặt hàng sắt thép của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU 8 tháng năm 2023 như sau: “Những mặt hàng mà chúng ta hiện nay xuất khẩu nhiều vào châu Âu, đặc biệt nhất là trong đó các mặt hàng sắt thép. Riêng 8 tháng đầu năm 2023 mặt hàng sắt thép xuất khẩu vào EU đã tăng gấp đôi, tức là hiện nay – tính đến hết 8 tháng đạt 2,31 triệu tấn, chiếm trên 30% tổng lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023…”.
Sắt thép, nhôm là những hàng hóa mà Việt Nam đang xuất khẩu vào EU và sẽ phải thực thi CBAM từ 1/10/2023
Như vậy, là đã có những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo về tiêu chuẩn khí thải theo “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM) của EU. Nếu không đảm bảo đúng các tiêu chí và tuân thủ đúng lộ trình của CBAM, các nhà sản xuất 6 loại hàng hoá kể trên muốn xuất khẩu vào EU sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” (hay còn gọi áp “thuế carbon”) – từ đầu năm 2026.
Đồng thời, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá cách thức hoạt động của CBAM và xem xét khả năng mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn.
Về lâu dài, phạm vi của CBAM có thể được mở rộng để bao gồm cả phát thải gián tiếp và các lĩnh vực khác cũng như các sản phẩm sử dụng nhiều carbon – chẳng hạn như sử dụng nhiều năng lượng cho hoạt động sản xuất – kinh doanh; và tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như: năng lượng, khoáng sản; sản xuất và chế biến một số loại thực phẩm (đường, tinh bột, khoai tây, cà chua; sản xuất một số sản phẩm dệt may; hoá chất, xây dựng…
Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nêu thực tế, và cho rằng: “Liên quan đến câu chuyện về EU hay liên quan đến việc thị trường may mặc ở Bangladesh là một trong những ví dụ điển hình cho thấy rằng đây là xu hướng chung của toàn bộ thế giới. Nó chỉ là vấn đề thời gian, có thể sẽ sớm một chút hay muộn một chút; có thể nhiều ngành hơn một chút hay ít ngành một chút… nhưng mà rõ ràng đây là xu hướng không thể đảo ngược được.
Tốt hơn hết là chúng ta nên chủ động – ngay cả với ngành mà chưa phải áp thuế cũng nên suy nghĩ rằng việc áp thuế nó chỉ xảy ra ngày một ngày hai, và rõ ràng yêu cầu về các sản phẩm đối với các thị trường cao cấp rõ ràng là yêu cầu cao hơn rất nhiều.
Có thể chúng ta đều thấy rằng vấn đề này nó sẽ phát sinh rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp, nhưng ngược lại, sản phẩm đó khi vào các thị trường đó thì sẽ có những thuận lợi và cũng có thể bán ở mức cao hơn, doanh thu cao hơn, và điều quan trọng là chúng ta không bị bỏ lại phía sau trong câu chuyện chuỗi giá trị mới của ngày hôm nay”.
Ngay từ đầu năm 2023, EU đã đưa ra “Thoả thuận xanh châu Âu” với nhiều chiến lược được thực thi nhằm mục tiêu “làm cho EU trở nên trung lập với khí hậu vào năm 2050”.
Mới đây, EU tiếp tục đưa ra cảnh báo về tình trạng gia tăng vi phạm an toàn thực phẩm trong các sản phẩm thủy sản và trái thanh long nhập khẩu vào thị trường này. EU không loại trừ khả năng hạn chế nhập khẩu các mặt hàng tương tự từ Việt Nam nếu không đảm bảo các điều kiện môi trường mà EU đặt ra.
Từ các thực tế này, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nêu quan điểm: “Các chứng chỉ carbon cũng như các biện pháp để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu thì ở Việt Nam chúng ta cũng đang trong quá trình tiến hành xây dựng và triển khai trong thời gian tới.
Như vậy thì việc thực thi các yêu cầu hay quy định của thị trường EU sẽ giúp cho chúng ta không chỉ thúc đẩy từ phía các doanh nghiệp mà còn giúp cho chúng ta trong vấn đề hình thành các khuôn khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách cũng như sự hỗ trợ của các cơ quan chính quyền, cơ quan chức năng trong vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các công cụ hữu hiệu để giúp cho chúng ta bảo vệ môi trường cũng như chống biến đổi khí hậu…”.
Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường tín chỉ carbon – kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” mới đây, nhóm nghiên cứu do Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra rằng, hàng năm Việt Nam có thể phải chịu thêm một khoản chi phí cho thuế phát thải carbon từ 32-50 tỷ USD khi xuất khẩu vào EU. Vì vậy, để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá, đáp ứng nhu cầu của thị trường, Việt Nam cần tăng cường các giải pháp giảm phát thải, ở cả góc độ doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý.
Theo đó, các nhà hoạch định chính sách cần có quy định chi tiết, cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp chủ động tiếp cận với “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM ) và lộ trình tiếp cận CBAM của Việt Nam. Đồng thời, xây dựng cơ chế định giá carbon và thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Shinec (chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) cho biết: “Tôi được biết hiện nay Chính phủ cũng đang chỉ đạo cho các bộ ngành xây dựng chiến lược, khung pháp lý – từ 2025-2028 thì Việt Nam phải xây dựng cơ sở pháp lý về thị trường tín chỉ carbon này… Là một doanh nghiệp, chúng tôi rất mong muốn nhà nước nên nhanh chóng có khung pháp lý về tín chỉ carbon. Việc có khung pháp lý về tín chỉ carbon nó sẽ làm cho phong trào phát triển doanh nghiệp xanh, các doanh nghiệp hứng khởi hơn trong việc phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường…”.
Theo TS Nguyễn Văn Hội – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương, Bộ Công Thương trong trước mắt, Việt Nam cần chủ động đối thoại với EU để làm rõ các quy định về CBAM, các mặt hàng, lĩnh vực thuộc đối tượng áp dụng hoặc ưu đãi, miễn giảm.
Cùng với đó, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn, nâng cao năng lực giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ sản xuất xanh hơn. Về phía doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ để tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm tối đa nguồn thải ra môi trường nếu muốn sản phẩm của mình được tiêu thụ ở các thị trường có tiêu chuẩn cao như EU.
Theo Nguyên Long
VOV