UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 172/KH-UBND về thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Dự kiến, sẽ có khoảng 3.000 – 5.000 xe máy được đo kiểm khí thải. Xe máy là các xe mô tô, xe gắn máy của các hãng thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam – VAMM (Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM). Thời gian thực hiện trong 2 năm là 2021 và 2022.
Phương pháp thực hiện bao gồm: Đo kiểm khí thải từ các xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố; Điều tra, thu thập thông tin liên quan thông qua bảng hỏi, phỏng vấn; Xác định và thí điểm các giải pháp ưu tiên về kiểm soát khí thải giao thông đối với xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành tại một số khu vực trên địa bàn thành phố nhằm cải thiện môi trường không khí; Tổ chức tham vấn với chính quyền các cấp quận/huyện, các nhóm cộng đồng và dân cư về vấn đề kiểm soát khí thải giao thông đối với xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành liên quan đến ô nhiễm môi trường; Lập báo cáo đệ trình các cấp, bao gồm khuyến nghị chính sách và một số giải pháp phù hợp với thành phố về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.
Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) sẽ chủ động đầu tư 8 bộ thiết bị đo khí thải (thiết bị phân tích khí thải, camera, máy tính…) và lắp đặt tại 8 đại lý. VAMM sẽ hỗ trợ nhân viên kỹ thuật của các đại lý để đo kiểm khí thải, bảo dưỡng xe và quà tặng cho khách hàng tham gia nghiên cứu.
Ngoài ra, sẽ thiết lập 34 điểm thu hồi tại 34 đại lý của VAMM để tiếp nhận và xử lý xe máy thải bỏ từ người dân. Hỗ trợ thu hồi và xử lý các xe mô tô, xe gắn máy của người dân tự nguyện thải bỏ; đồng thời, hỗ trợ kinh phí từ 0 – 4 triệu đồng/xe cho người dân thải bỏ xe cũ và có nhu cầu chuyển đổi xe mô tô, xe gắn máy mới. Mức hỗ trợ tùy thuộc từng loại xe và tùng hãng xe mà người dân muốn mua (dự kiến hỗ trợ 3.860 xe).
Hiện nay, Hà Nội có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó, có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000) và trên 730 nghìn ô tô, chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Khí thải từ các phương tiện đặc biệt là phương tiện cũ nát bao gồm các dạng hạt bụi lơ lủng, khí ô xít các bon (CO), hiđrô các bon (HC), các dạng ô-xít nitơ (NOx) và các chất khác gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép. Các chất ô nhiễm này ảnh hưởng tới chất lượng môi trường không khí đô thị, đồng thời là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của cộng đồng dân cư trên địa bàn Hà Nội.
Theo thiennhien.net