Đối tác tạo tác động

Ứng dụng năng lượng tái tạo trong nuôi trồng và sản xuất tôm tại Bến Tre

Ứng dụng năng lượng tái tạo trong nuôi trồng và sản xuất tôm tại Bến Tre

Ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, cá tại các vùng trọng điểm, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề như chi phí sản xuất cao, hiệu quả kinh tế thấp và vấn nạn tới từ ô nhiễm môi trường… Hơn nữa, thách thức từ việc chuyển đổi xanh, giảm phát thải cũng đặt áp lực lên người dân, buộc họ phải áp dụng công nghệ và tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp.

Tại Bến Tre, mô hình “Ứng dụng hệ thống năng lượng mặt trời trong nuôi trồng và sản xuất tôm” được xem là một giải pháp hiệu quả và bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản. Mô hình này sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho các hoạt động nuôi tôm như sục khí, quạt nước, máy bơm và hệ thống chiếu sáng, cũng như hỗ trợ một phần hệ thống sản xuất tôm sau giai đoạn đánh bắt.

Được triển khai từ năm 2022, quá trình lắp đặt được chia làm 2 giai đoạn: 250 kW trước, 150 kW sau với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Hệ thống có công suất tổng cộng 400 kW, cung cấp điện cho toàn bộ 7 ha ao nuôi tôm. Lượng điện sản xuất ra dùng để nuôi tôm chiếm 70%, còn lại dùng cho chạy hệ thống, sau khi còn dư, lượng điện sẽ được đẩy trực tiếp lên lưới điện. Chủ sản xuất chia sẻ rằng không muốn dùng hệ thống pin trữ điện vì nguy hiểm và phần vì chi phí lưu điện cũng không đáng kể hơn nhiều so với hòa điện lên lưới. Tổng công suất trung bình năm của hệ thống năng lượng mặt trời này có thể chạm tới 6000 kWh, hoàn toàn phù hợp để cung cấp điện cho 2-3 hộ gia đình nông thôn trong 1 năm.

Sau khi quá trình sử dụng mô hình, chi phí tiền điện đã giảm đến hơn 65% so với lúc chưa lắp đặt. Vào năm 2023, khi nước ta vừa trải qua dịch bệnh căng thẳng, năng suất nuôi tôm đạt mốc 7 tấn. Mức năng suất này được tính toán cao hơn 3-5 lần so với phương pháp truyền thống, đem tới nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Bên cạnh những thuận lợi, mô hình này cũng có một số hạn chế. Chi phí đầu tư ban đầu cao làm giới hạn nhân rộng mô hình. Yếu tố thời tiết đặc thù cũng phần nào ảnh hưởng đến hiệu suất của hệ thống, sự xuất hiện của muối và độ mặn từ gió biển ảnh hưởng trực tiếp tới khung nhôm của tấm kim loại. 

Mô hình “Ứng dụng hệ thống năng lượng mặt trời trong nuôi trồng và sản xuất tôm” là một giải pháp hiệu quả và bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản. Việc mô hình này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển ngành nuôi trồng thủy sản một cách bền vững.

← Bài trước Bài sau →