CÁC GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM ĐIỆN, GIẢM PHÁT THẢI, HƯỚNG ĐẾN NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI
Ta có thể tiết kiệm điện, giảm phát thải trong các hoạt động số và sử dụng thiết bị điện tử như thế nào nhỉ?
“Ủa GREEN IN ơi, mình làm việc tại nhà thôi mà, có phát thải gì nhiều đâu, thế sống xanh hơn, hưởng ứng ngày Trái Đất như thế nào đây?”
Hông phải đâu, lại đây nhà Ét kể cho bạn nghe nè: Trên thực tế, Internet phát thải tới 1.6 tỷ tấn khí nhà kính hằng năm trên toàn cầu đó! Dù biết rằng một sản phẩm số thường sẽ ít phát thải carbon hơn sản phẩm vật lý, tuy nhiên nếu suy tính chưa kỹ, sản phẩm số có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng không kém. Đặc biệt, các sản phẩm, hoạt động số cần sử dụng rất nhiều điện và tài nguyên khác để đảm bảo khả năng truy cập cho số lượng người dùng cao, ngoài ra cần đầu tư cơ sở hạ tầng tân tiến để tiếp cận sản phẩm tốt hơn nữa á!
“Ôi cao thế á, nay mình mới biết luôn á . Thế có cách nào để chúng mình sử dụng điện tiết kiệm hơn, giảm phát thải trong các hoạt động online hay trong cuộc sống hằng ngày hông dạ GREEN IN?”
Có chứ bạn mình ơi, bạn ngồi xuống đây GREEN IN kể cho bạn nghe nè. Mà bạn nhớ bấm vào từng ảnh để xem chi tiết hơn nhen!
“Nếu Internet là một quốc gia, nó sẽ là quốc gia gây ô nhiễm lớn thứ 4” (Tổng lượng phát thải của ITC từ nghiên cứu năm 2021 của Freitag et al. so sánh với lượng phát thải CO2 hóa thạch theo quốc gia)
Facts:
– Lượng rác thải điện tử toàn cầu năm 2022 đã tăng 82% so với năm 2010 và đang trên đà tăng thêm 32%, lên 82 triệu tấn vào năm 2030, một mức độ gia tăng đáng báo động
– Ngành truyền thông sẽ chiếm 20% năng lượng điện Thế giới vào năm 2025
40% tổng dấu chân Internet phát sinh trên giao diện người dùng được các nhà thiết kế tạo ra
– Mức sử dụng mạng 3G/4G/5G tăng gây ô nhiễm gấp 5 lần: Thời gian thay thế điện thoại thông minh trung bình tăng từ 25 lên 40 tháng. Tuy nhiên, khi người dùng chuyển sang dùng 5G, thời gian thay thế điện thoại thông minh ước tính năm 2025 là 33 tháng
– Mỗi email người dùng gửi đi sẽ tạo ra 19 gam khí CO2 gây tác động xấu đến môi trường (Theo nghiên cứu của Cơ quan Quản lý Môi trường và Năng lượng Pháp (ADEME)). Với trung bình khoảng 20 email mỗi ngày, 365 ngày/năm, mỗi người dùng tạo ra lượng khí thải CO2 tương đương với một chiếc xe hơi di chuyển trong 1000km
=> Thiết kế tốt và tối ưu chiếm một phần rất lớn trên con đường đi tới thiết kế web bền vững đó bạn ơi!
Tips cho người sử dụng:
– Hạn chế gửi email khi không cần thiết, xóa các email rác và những email đã xử lý. Giảm kích thước của tài liệu gửi qua email để giảm trọng lượng của tin nhắn (VNCPC)
– Hạn chế lan truyền các nội dung không có giá trị, như các meme, spam,… nếu không cần thiết
– Trực tiếp nhập địa chỉ của một trang web nếu biết nó thay vì thông qua một công cụ tìm kiếm
– Hủy đăng ký nhận bản tin nếu không có/không còn nhu cầu đọc chúng
– Hạn chế mua sắm và sử dụng các thiết bị điện tử không cần thiết, tăng tuổi thọ và tái sử dụng các thiết bị điện tử cũ, thu gom và tái chế các rác thải điện tử theo quy trình an toàn và tiêu chuẩn.
Tip cho người thiết kế:
– Theo dõi 5 nguyên tắc của bản Tuyên ngôn mạng bền vững: Hiệu quả, cởi mở, trung thực, tái tạo, kiên cường tại đây:
https://www.sustainablewebmanifesto.com/
– Giúp người dùng tìm thấy những gì họ tìm kiếm một cách dễ dàng nhất: điều hướng web tốt, thông tin rõ ràng, phân loại logic, chức năng tìm kiếm hiệu quả.
– Đơn giản hóa các bước, dung lượng sản phẩm thấp hơn, giảm số lần tải lại màn hình, giảm kích thước ảnh, chi tiết đồ họa cho di động
– Giảm số lượng trang bạn xem bằng cách sử dụng các từ khóa cụ thể.
– Theo Experience Lab BV, nhà thiết kế nên chọn dịch vụ lưu trữ và vận hành web xanh, viết mã code theo module để có thể sửa và dùng lại được, tạo hành trình người dùng ngắn hơn trong UX, ưu tiên màu tối hơn màu sáng (tránh màu xanh dương), tránh dùng nhiều loại font chữ cùng lúc.
Một số nền tảng, dịch vụ hữu ích:
– Các nền tảng thu gom và xử lý rác thải điện tử đúng cách, đúng quy trình. Ở Việt Nam có Việt Nam Tái Chế, thu gom rác thải điện tử tại nhà ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đó bạn ơi: https://www.vietnamrecycles.com/
– Kiểm tra trang web mình sử dụng/thiết kế có xanh không cùng GREEN IN nào bạn: https://www.thegreenwebfoundation.org/
– Xem và tìm hiểu danh sách các công ty lưu trữ xanh luôn nè: https://www.thegreenwebfoundation.org/tools/directory/
– Tính toán tác động của 1 trang web lên môi trường tại đây nha: https://digitalbeacon.co/
– Tính phát thải từ truy cập Internet của bản thân tại đây qua tiện ích mở rộng Globemallow luôn nha: https://globemallow.io/