Khoản 2 Điều 12 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định Bộ TNMT sẽ phối hợp với các bộ quản lý để phân bổ hạn ngạch phát thải cho các cơ sở, dựa vào “định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm.”
Đọc thêm: Hạn ngạch phát thải là gì?
Tuy nhiên, nghiên cứu thực tiễn từ các Thị trường carbon bắt buộc (ETS) trên thế giới cho thấy, việc xác định Định mức phát thải của từng sản phẩm đòi hỏi dữ liệu phát thải khí nhà kính đầy đủ và toàn diện từ các công ty báo cáo cho cơ quan quản lý. Điều này sẽ là thách thức lớn cho Việt Nam, khi mà việc kiểm kê khí nhà kính đang trong giai đoạn đầu triển khai. Việc thiếu thông tin, dữ liệu không chính xác và không đồng bộ là khó tránh khỏi.
Do vậy, theo dự thảo sửa đổi Nghị định 06, Chính phủ dự kiến sẽ có sự thay đổi trong phương pháp phân bổ hạn ngạch. Cụ thể, giai đoạn đầu sẽ phân bổ hạn ngạch dựa trên lịch sử phát thải KNK của các cơ sở, sau đó sẽ tiến tới phân bổ theo định mức phát thải trên đơn vị sản phẩm đổi với các ngành/lĩnh vực có đầy đủ thông tin, số liệu.
Sự thay đổi này là cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn đầu triển khai ETS. Kinh nghiệm từ EU ETS và Korea ETS sẽ là cơ sở vững chắc để thực hiện sự thay đổi phù hợp này.
EU ETS của Liên minh Châu Âu
Trong giai đoạn từ khi bắt đầu (2005) tới năm 2012, EU đã phân bổ hạn ngạch phát thải KNK theo lịch sử phát thải.
Trong giai đoạn từ 2012 tới nay, EU đã và đang phân bổ hạn ngạch theo định mức phát thải KNK của từng ngành/lĩnh vực. Định mức phát thải được xác định dựa trên số liệu trung bình của các cơ sở sản xuất hiệu quả nhất trong ngành/lĩnh vực đó.
Công thức được áp dụng:
Hạn ngạch phân bổ theo lịch sử phát thải = Trung bình phát thải của các năm cơ sở * Hệ số điều chỉnh
Hạn ngạch phân bổ theo định mức phát thải = Giá trị định mức * Sản lượng sản xuất trong quá khứ * Hệ số điều chỉnh
Trong đó, Hệ số điều chỉnh được tính dựa trên mức độ rò rỉ carbon và mục tiêu giảm phát thải KNK do Ủy ban Châu Âu công bố hàng năm.
Korea ETS
Trong giai đoạn từ 2015 – 2017, Hàn Quốc phân bổ hạn ngạch phát thải KNK theo lịch sử phát thải (trung bình 03 năm 2011-2013).
Trong giai đoạn 2016 tới nay, Hàn Quốc kết hợp 02 phương pháp, phân bổ theo lịch sử phát thải đối với các ngành/lĩnh vực chưa đầy đủ dữ liệu phát thải và phân bổ theo định mức phát thải trên đơn vị sản phẩm với những ngành đã đầy đủ dữ liệu.
Công thức được áp dụng:
Hạn ngạch phân bổ theo lịch sử phát thải = Trung bình phát thải của các năm cơ sở * Hệ số điều chỉnh * Hệ số rò rỉ các-bon
Hạn ngạch phân bổ theo định mức phát thải = Giá trị định mức * Sản lượng sản xuất trong quá khứ * Hệ số điều chỉnh * Hệ số rò rỉ các-bon
Trong đó, hệ số rò rỉ các-bon là 1.0 cho các ngành được coi là chịu rủi ro về rò rỉ các-bon và là 0,9 cho các ngành khác. Hệ số điều chỉnh là nhằm giúp chính phủ không phân bổ thừa hạn ngạch cho các cơ sở, làm ảnh hưởng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của hệ thống.
Việt Nam ETS (dự kiến)
Giai đoạn đầu triển khai ETS, Việt Nam sẽ phân bổ hạn ngạch dựa trên lịch sử phát thải KNK của các cơ sở, sau đó sẽ tiến tới phân bổ theo định mức phát thải trên đơn vị sản phẩm đổi với các ngành/lĩnh vực có đầy đủ thông tin, số liệu.
Phương pháp tính dựa trên cường độ phát thải trên đơn vị sản phẩm
Hạn ngạch phân bổ cho cơ sở = Cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm x Sản lượng x Hệ số điều chỉnh
Phương pháp tính dựa trên lịch sử phát thải
Hạn ngạch phân bổ cho cơ sở = Số liệu phát thải căn cứ trên kết quả kiểm kê KNK trung bình 03 năm gần nhất của cơ sở x Hệ số điều chỉnh