Blog

Thị trường carbon và những điều cần nắm vững

Thị trường carbon và những điều cần nắm vững

Để ứng phó biến đổi khí hậu, rất nhiều giải pháp chính sách, tài chính, công nghệ đã được đề xuất và triển khai trên khắp thế giới. Thị trường carbon là một công cụ hữu hiệu nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Vậy cụ thể thị trường carbon là gì? Cùng GREEN IN tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

1. Khái niệm thị trường carbon

Thị trường carbon là một cơ chế kinh tế nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc buôn bán tín chỉ carbon. Một khoản tín chỉ carbon có thể trao đổi tương đương với một tấn CO₂ hoặc các loại khí nhà kính tương đương.

Thị trường này khi đưa vào hoạt động đã tạo ra giá trị kinh tế cho việc cắt giảm phát thải bằng cách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia giảm lượng khí thải của họ. Nếu họ không giảm lượng khí thải ra thì sẽ phải mua hạn ngạch hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị/tổ chức khác đã giảm phát thải thành công.

thị trường carbon là gì

2. Lịch sử phát triển của thị trường carbon

Ý tưởng về thị trường carbon được hình thành vào những năm 1990 khi các quốc gia ngày càng quan tâm đến biến đổi khí hậu. Cho đến năm 1997, Nghị định thư Kyoto cho phép các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. 

Năm 2005, Liên minh Châu Âu ra mắt hệ thống ETS, tạo ra thị trường carbon bắt buộc lớn nhất thế giới và trở thành mô hình cho các hệ thống mua bán phát thải khác.

lịch sử phát triển thị trường carbon

Bên cạnh thị trường bắt buộc như EU ETS, các thị trường tự nguyện bắt đầu phát triển nhằm mục đích giúp các công ty, tổ chức và cá nhân tự nguyện mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải của họ.

Hiện nay, nhu cầu tín chỉ carbon ngày càng tăng mạnh khi nhiều công ty và quốc gia cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào giữa thế kỷ này. Các thị trường carbon trở thành công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ đạt được các mục tiêu này.

3. Phân loại thị trường carbon

Hiện nay có 2 thị trường carbon song song hoạt động là Thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện:

  • Thị trường carbon bắt buộc: Là thị trường mà các cơ sở trực thuộc bắt buộc phải thực hiện các biện pháp để giảm phát thải khí nhà kính để không vượt ngưỡng hạn ngạch mà cơ quan quản lý phân bổ cho từng cơ sở ban đầu. Tuy nhiên, mức sử dụng của các cơ sở luôn biến động, và để đảm bảo hạn ngạch ở mức cho phép, các cơ sở được phép trao đổi, buôn bán hạn ngạch trên thị trường carbon. Việc trao đổi này không làm cho tổng lượng phát thải của thị trường thay đổi. Do đó, thị trường carbon bắt buộc sinh ra với mục đích chính là kiểm soát phát thải. Hàng hóa được giao dịch trên thị trường carbon bắt buộc là hạn ngạch phát thải và một lượng tín chỉ carbon được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được phép giao dịch.
  • Thị trường carbon tự nguyện: Đây là thị trường mà các cơ sở tự nguyện thực hiện việc giảm phát thải khí nhà kính, cũng như chủ động mua tín chỉ carbon để đạt được mục tiêu đề ra. Tại thị trường carbon tự nguyện, hàng hóa được giao dịch trên thị trường chính là các tín chỉ carbon.

phân loại thị trường carbon

4. Điểm qua một số lợi ích của thị trường carbon

Không thể phủ nhận rằng thị trường carbon đem đến cho các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp những lợi ích trong việc bảo vệ môi trường.

4.1. Thúc đẩy sự phát triển bền vững

Lợi ích đầu tiên phải kể đến là tạo nên sự phát triển bền vững khi thị trường carbon tạo ra nguồn thu nhập cho các dự án/hoạt động về cắt giảm lượng phát thải. Các quốc gia và tổ chức, cá nhân có thể nhờ đó mà phát triển các dự án về trồng rừng, bảo vệ rừng hoặc các nguồn năng lượng ít hoặc không phát thải... cũng như tận dụng nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon.

thúc đẩy phát triển bền vững

4.2. Chủ động trong việc giảm phát thải

Sự xuất hiện của thị trường carbon giúp các doanh nghiệp có thể chủ động trong việc giảm bớt phát thải khí nhà kính. Từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao, lâu dài. Cụ thể, với các doanh nghiệp bắt buộc phải giảm phát thải thì ban đầu, họ có thể lựa chọn các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính có chi phí thấp. Sau đó, nếu không đủ chi phí cho các biện pháp cần ngân sách lớn thì có thể thay thế bằng việc mua tín chỉ carbon.

giảm lượng phát thải khí nhà kính

5. Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam

Để có thể vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này có quy định như sau:

“Giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Giai đoạn từ năm 2028, sẽ: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.”

Kết luận

Thị trường carbon đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, từ đó giúp thế giới tiến gần hơn với mục tiêu Net Zero.

 
← Bài trước Bài sau →