Blog

Phát triển bền vững là gì? Hành trình tiến tới tương lai của nhân loại

Phát triển bền vững là gì? Hành trình tiến tới tương lai của nhân loại

Đứng trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng đi kèm với khủng hoảng khí hậu toàn cầu, phát triển bền vững được coi là lộ trình cần thiết đối với mỗi tổ chức, quốc gia trên toàn thế giới. Đây cũng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển đất nước mà Chính phủ Việt Nam hướng tới. Để tìm hiểu thêm về nội dung này và hướng tới một tương lai vững mạnh, hãy cùng GREEN IN tìm hiểu phát triển bền vững là gì qua bài viết dưới đây!

1. Tìm hiểu tổng quan phát triển bền vững là gì?

Trước khi tìm hiểu phát triển bền vững là gì, các bạn cần xác định được khái niệm về tính bền vững:

1.1. Tính bền vững là gì?

Sustainability - Tính bền vững được hiểu là quá trình cân bằng mọi hoạt động ở trạng thái ổn định, có thể duy trì trong thời gian dài mà không gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Đồng thời, nguồn tài nguyên cũng không suy giảm. Cuộc sống tương lai cũng sẽ không bị tác động tiêu cực. Chính vì vậy, để có thể duy trì được tính bền vững, con người cần tiếp cận, xem xét toàn diện sự liên kết giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường cũng như sự kết nối giữa con người với cộng đồng xã hội và với thiên nhiên, từ đó hướng tới mục tiêu xây dựng một tương lai phát triển ngày càng bền vững.

“Về bản chất, sự bền vững có nghĩa là sự đảm bảo sự thịnh vượng và bảo vệ môi trường mà không gây ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Một thế giới bền vững là một nơi mọi người có thể thoát nghèo và có được việc làm tử tế mà không làm tổn hại đến các hệ sinh thái và tài nguyên thiết yếu của Trái đất; nơi mọi người có thể sống khỏe mạnh va có được thực phẩm và nguồn nước họ cần; nơi mọi người đều có thể tiếp cận năng lượng sách mà không gây ra biến đổi khí hậu; nơi phụ nữ và trẻ em gái có quyền và cơ hội bình đẳng” - Nguyên Tổng thư ký Liên hiệp Quốc Ban Ki Moon.

Còn theo ISO - tổ chức tiêu chuẩn quốc tế “sự bền vững là trạng thái của hệ thống toàn cầu, bao gồm các khía cạnh môi trường, xã hội và kinh tế, trong đó nhu cầu của hiện tại được đáp ứng mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai” - ISO

tính bền vững

Tính bền vững hiện được thể hiện qua ba yếu tố còn được biết đến với ký hiệu “3P" bao gồm:

  • Profit - Lợi nhuận: Duy trì sự tăng trưởng nền kinh tế mà không dẫn đến tình trạng nguồn tài nguyên cạn kiệt. 
  • People - Con người: Xây dựng xã hội bình đẳng, công bằng và văn minh. Đi đầu trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng phúc lợi, có cơ hội phát triển. 
  • Planet - Hành tinh: Bảo vệ môi trường tự nhiên nơi con người sinh sống cùng muôn loài nhằm tránh tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên. Hệ sinh thái cũng có thể duy trì được sự sống. 

1.2. Phát triển bền vững là gì?

“Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại khả năng của các thế hệ tương lai.” - Theo Liên Hợp Quốc trong Báo cáo Brundtland năm 1987

Sustainable Development - Phát triển bền vững được hiểu là một quá trình phát triển dựa trên nguyên tắc đáp ứng hài hòa các nhu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường ở thời điểm hiện tại, mà không làm cạn kiệt tài nguyên hay gây tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau. Mục tiêu của hướng phát triển này là tạo ra sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, đồng thời xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng cho tất cả mọi người.

phát triển bền vững

Phát triển bền vững sẽ gồm ba trụ cột chính như: 

  • Kinh tế: Mục tiêu đầu tiên của phát triển bền vững là giúp nền kinh tế ổn định, thịnh vượng nhưng không làm tài nguyên cạn kiệt. 
  • Xã hội: Tạo dựng một xã hội ổn định, công bằng. Mọi người đều có quyền được tiếp cận với những phúc lợi xã hội. Điển hình như giáo dục, y tế và việc làm. 
  • Môi trường: Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, bảo tồn đa dạng sinh học. Mục đích nhằm bảo vệ môi trường cho thế hệ sau. 

Mục tiêu của phát triển bền vững là xây dựng một thế giới nơi mọi người có thể tận hưởng cuộc sống tốt đẹp mà không gây tổn hại đến hành tinh và tương lai của nhân loại. Để đạt được điều này, cần sự hợp tác chặt chẽ và cam kết mạnh mẽ từ tất cả các quốc gia, tổ chức và cá nhân. Việc sống hài hòa với thiên nhiên chính là chìa khóa để phát triển bền vững. Bởi nếu không, chúng ta sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng như biến đổi khí hậu.

Phát triển bền vững không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường. Mà thậm chí còn mở rộng sang xây dựng một xã hội khỏe mạnh, bình đẳng và công bằng. Điều đó đồng nghĩa với việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mọi thành viên trong cộng đồng. Điển hình như khuyến khích sự phát triển cá nhân và mang đến cơ hội công bằng cho tất cả mọi người.

2. Tại sao cần đến phát triển bền vững?

Phát triển bền vững là một vấn đề sống còn trong thời đại ngày nay. Bởi nó đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, định hướng, thúc đẩy tìm kiếm các giải pháp cải thiện kinh tế, xã hội và môi trường để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng của hiện tại mà không tác động tiêu cực đến tương lai nhân loại. 

các yếu tố của phát triển bền vững

2.1. Về lĩnh vực kinh tế

Quá trình này không chỉ tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, mà còn nhấn mạnh vào sự ổn định và an toàn dài hạn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế “khỏe mạnh”, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống mà không tạo ra nguy cơ suy thoái hoặc đẩy thế hệ mai sau vào vòng xoáy nợ nần.

2.2. Về lĩnh vực xã hội

Bên cạnh yếu tố kinh tế, phát triển xã hội công bằng và tiến bộ cũng là một trụ cột không thể thiếu. Điều này được đánh giá qua các chỉ số như chỉ số phát triển con người (HDI), tập trung vào việc cải thiện sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng và giảm nghèo. Mục tiêu là xây dựng một xã hội bình đẳng và giảm thiểu bất công và xung đột, đồng thời tạo ra cơ hội phát triển đồng đều cho mọi người.

2.3. Về lĩnh vực môi trường

Đến thời điểm này nhất là chứng kiến những thiệt hại từ cơn bão số 3 vừa qua, chúng ta nhận thấy rõ rằng bất kỳ hình thái phát triển nào cũng cần phải dựa trên nền tảng là sức khỏe và khả năng hồi phục của toàn bộ hệ sinh thái. Môi trường lành mạnh là yếu tố thiết yếu cho sự sống còn của loài người cũng như tất cả các sinh vật sống khác trên Trái đất. Ô nhiễm môi trường đã tới mức báo động. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho nền kinh tế và cuộc sống của con người đang dần cạn kiệt. Các hoạt động như khai thác tài nguyên và khoáng sản bừa bãi, tàn phá rừng đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Hậu quả dẫn đến thiên tai, lũ lụt và mất cân bằng sinh thái trên toàn cầu. Phát triển bền vững phải song hành với bảo vệ và phục hồi môi trường sống thông qua việc quản trị, sử dụng và bảo tồn tài nguyên một cách hợp lý. Điều này giúp đảm bảo rằng thế hệ hiện tại có thể thỏa mãn nhu cầu của mình mà không làm tổn hại đến khả năng khai thác tài nguyên của thế hệ tương lai. 

Phát triển bền vững không chỉ đơn thuần là một lựa chọn, mà là con đường bắt buộc để đảm bảo một tương lai thịnh vượng, công bằng và xanh sạch cho mọi thế hệ.

3. Mục tiêu phát triển bền vững là gì?

Để cụ thể hóa tầm nhìn phát triển bền vững, Liên Hợp Quốc đã ban hành Nghị quyết số A/RES/70/1 vào năm 2015, trong đó đưa ra lộ trình và kế hoạch triển khai các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đến năm 2030. Nghị quyết này xác định 17 mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện, bảo vệ hành tinh và bảo đảm sự thịnh vượng cho mọi người dân trên toàn cầu. Chương trình này đã được 193 quốc gia thuộc Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua vào năm 2015. 17 mục tiêu phát triển bền vững như sau:

Mục tiêuNội dung
Mục tiêu 1. Xoá nghèo (No Poverty)Chấm dứt mọi sự đói nghèo trên toàn thế giới.
Mục tiêu 2. Không còn nạn đói (Zero Hunger)Xóa đói, đảm bảo an toàn thực phẩm, cải thiện chất lượng dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp vững bền.
Mục tiêu 3. Sức khỏe và có cuộc sống tốt (Good Health and Well-being)Đảm bảo tất cả mọi người đều có thể hưởng một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. 
Mục tiêu 4. Giáo dục có chất lượng (Quality Education)Xây dựng nền giáo dục công bằng, chất lượng. Mọi người đều có cơ hội được cắp sách đến trường để học tập. 
Mục tiêu 5. Bình đẳng giới (Gender Equality)Có được sự bình đẳng giới trên toàn thế giới và trao quyền và tạo cơ hội cho mọi phụ nữ, bé gái.
Mục tiêu 6. Nước sạch và vệ sinh (Clean Water and Sanitation)Mọi người đều có cơ hội được tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường.
Mục tiêu 7. Năng lượng sạch với giá thành hợp lý (Affordable and Clean Energy)Cung cấp năng lượng với giá thành phải căng, hiện đại, bền vững cho tất cả mọi người. 
Mục tiêu 8. Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế (Decent Work and Economic Growth)Thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế ổn định, toàn diện; tạo ra cơ hội việc làm phù hợp và điều kiện làm việc tốt cho mọi người.
Mục tiêu 9. Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng (Industry, Innovation and Infrastructure)Phát triển hạ tầng bền vững, thúc đẩy công nghiệp hóa và đổi mới sáng tạo, đảm bảo tính bao trùm.
Mục tiêu 10. Giảm bất bình đẳng (Reduced Inequalities)Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội và giữa các quốc gia.
Mục tiêu 11. Các thành phố và cộng đồng bền vững (Sustainable Cities and Communities)Xây dựng các khu đô thị và cộng đồng an toàn, thân thiện với môi trường và đáp ứng mọi tiện ích cho mọi người.
Mục tiêu 12. Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm (Responsible Consumption and Production)Thúc đẩy các phương thức tiêu dùng và sản xuất hợp lý và bền vững.
Mục tiêu 13. Hành động về khí hậu (Climate Action)Đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu qua các hành động khẩn cấp.
Mục tiêu 15. Tài nguyên và môi trường trên đất liền (Life on Land)Bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái đất liền, quản lý rừng bền vững, chống suy thoái đất, bảo vệ đa dạng sinh học.
Mục tiêu 16. Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ (Peace, Justice and Strong Institutions)Xây dựng xã hội hòa bình và công bằng, đảm bảo tiếp cận công lý cho tất cả mọi người, và thiết lập các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm.
Mục tiêu 17. Quan hệ đối tác vì các mục tiêu (Partnerships for the Goals)Tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) là sự kế thừa từ mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo, đồng thời mở rộng tối đa phạm vi giải quyết những vấn đề cấp bách trên toàn thế giới hiện nay. Có thể nói, phát triển bền vững (SDGs) đóng vai trò như kim chỉ nam đối với các cá nhân, tổ chức, quốc gia cùng nhau hợp tác nhằm hướng đến sự phát triển một cách toàn diện, lâu dài. 

Tại Việt Nam, các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đã được tích hợp vào các chiến lược và chính sách quốc gia, thể hiện rõ trong Kế hoạch Hành động Quốc gia về Phát triển Bền vững giai đoạn 2020-2030. Chính phủ đã cam kết thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và khuyến khích các công nghệ xanh nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính. Việt Nam đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phù hợp với các cam kết tại COP 26.

4. Một số mô hình phát triển bền vững kinh điển nhất hiện nay

Hiện nay, các mô hình phát triển bền vững ngày càng nhận được chú ý và áp dụng rộng rãi. Trong số đó, CSV, ESG, SIB và 3P là những mô hình quan trọng nhất:

4.1. Mô hình CSV (Creating Shared Value)

Theo nhiều đánh giá, CSV được coi là mô hình phát triển vượt bậc so với CSR (Corporate Social Responsibility). Không chỉ nhấn mạnh vào việc doanh nghiệp đóng góp như thế nào, CSV là sự kết hợp hoàn hảo giữa việc tạo ra giá trị xã hội và kinh tế một cách ổn định, bền vững. 

Các doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời đáp ứng nhu cầu của xã hội và bảo vệ môi trường. Mô hình CSV có thể được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm:

  • Cung cấp sản phẩm có chất lượng cao với mức giá hợp lý, mang lại giá trị tốt hơn cho người tiêu dùng.
  • Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững.
  • Góp phần nâng cao đời sống và tạo điều kiện phát triển cho các cộng đồng địa phương.

mô hình csv

4.2. Tổ chức SIB (Social Impact Business)

Nếu như CSV đơn thuần chỉ là mô hình định hướng chiến lược nhằm tạo ra giá trị giúp ích cho xã hội thì mô hình kinh doanh SIB lại vô cùng mới mẻ. Bởi vì, cách tổ chức hoạt động sẽ hoàn toàn được thay đổi. Không chỉ tập trung vào yếu tố lợi nhuận, SIB còn đảm bảo mang đến tác động tích cực đồng thời cả xã hội lẫn môi trường. Sự cân bằng giữa mục tiêu môi trường, xã hội và thương mại của SIB giúp giải quyết những khó khăn bền vững.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) thường có quy mô nhân sự nhỏ. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này lại đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập trong môi trường kinh doanh. Phần lớn các SIB có đội ngũ nhân viên là nữ. Nhiều đơn vị tích cực tuyển dụng người khuyết tật với mục tiêu tạo cơ hội việc làm cho các nhóm yếu thế trong xã hội.

tổ chức sib

4.3. ESG (Environmental, Social & Governance)

Trong lĩnh vực đầu tư, tài chính và lợi nhuận luôn là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi phát triển bền vững trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, các nhà đầu tư không thể chỉ chạy theo lợi ích ngắn hạn mà bỏ qua những giá trị này. Mô hình đầu tư dài hạn ESG (Environmental, Social & Governance) ra đời như một bộ tiêu chí để đánh giá mức độ tác động của doanh nghiệp đối với cộng đồng và môi trường. 

Mô hình ESG tập trung vào ba trụ cột chính, với nhiều chỉ số cụ thể:

  • Môi trường (Environmental): Đánh giá ảnh hưởng của doanh nghiệp đến môi trường thông qua các yếu tố như biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm, thiết kế thân thiện với sinh thái và đổi mới sáng tạo.
  • Xã hội (Social): Xem xét tác động xã hội của doanh nghiệp, bao gồm các khía cạnh như sức khỏe và an toàn lao động, đa dạng nhân sự, quan hệ với cộng đồng và các hoạt động từ thiện.
  • Quản trị (Governance): Đánh giá hệ thống quản lý và điều hành doanh nghiệp. Thông qua các tiêu chí như quyền lợi cổ đông, cấu trúc và sự đa dạng của hội đồng quản trị, chế độ lương thưởng cho ban quản lý. Cũng như các biện pháp phòng chống gian lận và tham nhũng.

ESG không chỉ thúc đẩy sự phát triển bền vững mà còn giúp các doanh nghiệp xây dựng niềm tin và uy tín, tạo ra giá trị lâu dài cho cả nhà đầu tư và xã hội.

mô hình esg

4.4. Mô hình 3P

Mô hình 3P là một chiến lược dài hạn. Mục đích nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế, con người và môi trường. Đây là một cách tiếp cận toàn diện, chú trọng đến cả sự thịnh vượng của cộng đồng và bảo vệ hành tinh. Có thể đây là điều mà nhiều mô hình khác chưa đề cập đầy đủ.

Ba yếu tố cốt lõi của mô hình 3P bao gồm: People (Con người), Planet (Hành tinh) và Profit (Lợi nhuận). Để thực sự phát triển bền vững, doanh nghiệp cần xem mình như một phần của cộng đồng, thực hiện tốt trách nhiệm liên quan đến ba lĩnh vực này:

  • People (Con người): Tập trung vào việc nâng cao điều kiện kinh tế và xã hội cho cộng đồng, bao gồm cả nhân viên, lãnh đạo và cổ đông. Các chương trình đào tạo quản lý như Management Trainee của các tập đoàn đa quốc gia như Pepsi hay P&G là những ví dụ tiêu biểu về việc đầu tư vào nguồn nhân lực.
  • Planet (Hành tinh): Nhấn mạnh việc bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên. Đảm bảo rằng hoạt động kinh doanh không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực mà còn góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường sống.
  • Profit (Lợi nhuận): Lợi nhuận vẫn là mục tiêu quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và tăng trưởng. Tuy nhiên, lợi nhuận phải đi đôi với trách nhiệm xã hội, tạo thêm việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Mô hình 3P khuyến khích sự cân bằng giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội, cho phép doanh nghiệp phát triển bền vững không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lợi ích lâu dài của cộng đồng và môi trường.

mô hình 3p

5. Thực trạng phát triển bền vững tại Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia vô cùng quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững khi áp dụng nhiều chính sách nổi bật như: 

  • Luật bảo vệ môi trường 2020 đi kèm với các nghị định 06 về kiểm kê khí thải và bảo vệ tầng ô dôn, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. 
  • Các chiến lược hành động tăng trưởng Xanh, chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu
  • Thực tiễn từ khối doanh nghiệp: Đã xuất hiện những doanh nghiệp tiên phong thực hiện báo cáo ESG (Vinamilk, Pan group) và xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm lựa chọn theo con đường phát triển bền vững, nhiều chương trình, quỹ hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp, đầu tư tác động xã hội đang triển khai hỗ trợ cho xu thế mới.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh vào phát triển nhanh và bền vững. Chiến lược này lấy nền tảng từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thể hiện quyết tâm kiên định hướng tới sự phát triển toàn diện và ổn định lâu dài.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là đưa Việt Nam trở thành một quốc gia đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại và đạt mức thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu vươn lên trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, đảm bảo một tương lai thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân.

6. Lời kết

Bài viết trên đã giúp các bạn tìm hiểu về vấn đề phát triển bền vững là gì? Hy vọng những thông tin của chúng tôi sẽ giúp ích phần nào đó dành cho bạn cũng như góp phần trong việc bảo vệ môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của GREEN IN để có thêm nhiều thông tin được cập nhật mới nhất nhé!

← Bài trước Bài sau →