Bảo vệ môi trường du lịch được coi là vấn đề cấp bách trong sự nghiệp phát triển nền du lịch. Bởi nếu như môi trường tự nhiên đóng vai trò là cơ sở để hướng tới phát triển bền vững thì môi trường văn hoá giúp đảm bảo sự văn minh của một xã hội. Vậy những quy định về hoạt động bảo vệ môi trường du lịch được xác định như thế nào theo pháp luật hiện hành? Một số giải pháp bảo vệ môi trường du lịch nào cần thực hiện? Hãy cùng GREEN IN tìm hiểu vấn đề này thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. Môi trường du lịch là gì?
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Du lịch 2017, “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác". Phát triển du lịch bền vững là hành trình thúc đẩy nền du lịch nhưng vẫn phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời đảm bảo cân bằng với lợi ích của chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không khiến ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.
2. Những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường du lịch
Theo Khoản 18 Điều 3 Luật Du lịch 2017, "Môi trường du lịch là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nơi diễn ra các hoạt động du lịch". Để có thể phát triển du lịch thì chắc chắn không thể bỏ qua yếu tố môi trường, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội - văn hoá. Môi trường văn hóa tạo nền tảng cho du lịch văn minh, trong khi môi trường tự nhiên là yếu tố cốt lõi đảm bảo sự phát triển bền vững.
Điều 8 Luật Du lịch 2017 cũng đã quy định về vấn đề bảo vệ môi trường du lịch:
"1. Môi trường du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành quy định nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch.
3. Chính quyền địa phương các cấp có biện pháp bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch phù hợp với thực tế của địa phương.
4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trong hoạt động kinh doanh; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động của mình gây ra đối với môi trường; có biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội trong hoạt động kinh doanh của mình.
5. Khách du lịch, cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc; có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự nhằm nâng cao hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam."
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã quy định: "Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, đơn vị tổ chức lễ hội phải thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này". Cụ thể của quy định này có thể được giải thích như sau:
Các tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và các khu vực công cộng khác cần thực hiện các trách nhiệm sau:
Quản lý môi trường:
- Bố trí nhân sự để thu gom chất thải và đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực quản lý.
- Thành lập đội ngũ bảo vệ môi trường nhằm kiểm tra và giám sát thường xuyên.
Xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường:
- Thiết kế và lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ, đảm bảo đạt chuẩn bảo vệ môi trường.
- Cung cấp thiết bị, phương tiện thu gom và xử lý chất thải đúng quy định.
Xây dựng quy định:
- Ban hành và công khai các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh công cộng.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định trong phạm vi quản lý.
- Giám sát và xử lý vi phạm: Kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và đề xuất xử lý theo quy định.
Cá nhân đến các địa điểm công cộng hoặc du lịch như khu di tích, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, sân vận động, địa điểm lễ hội cần thực hiện các nghĩa vụ:
- Tuân thủ quy định về vệ sinh môi trường.
- Xả rác đúng nơi quy định và hạn chế sử dụng chất thải nhựa.
- Giữ gìn cảnh quan sạch sẽ, không làm hại đến môi trường hoặc sinh vật sống.
Theo quy định pháp luật, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, ban hành các quy định nhằm bảo vệ, gìn giữ và phát triển môi trường du lịch:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm xây dựng các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường tự nhiên trong lĩnh vực du lịch. Điều này bao gồm việc ngăn chặn, khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái và các sự cố môi trường, cũng như duy trì cảnh quan tại các địa điểm du lịch.
- Bộ Công an ban hành những quy định đảm bảo an ninh và trật tự, tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch diễn ra an toàn và thuận lợi.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung vào việc phát huy nếp sống văn minh trong ứng xử với du khách, bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống và thuần phong mỹ tục tại các địa điểm du lịch.
- Những quy định này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng trải nghiệm cho du khách và bảo tồn các giá trị văn hóa, tự nhiên quý báu.
Đặc biệt, việc phối hợp giữa các Bộ, ban ngành có liên quan là đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Theo Khoản 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm:
"a) Tổ chức thực hiện quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch; phát triển cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch thân thiện môi trường;
b) Tổ chức thực hiện quy định về khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch."
3. Một số giải pháp bảo vệ môi trường du lịch
3.1. Khuyết khích sử dụng đồ nhựa có thể tái sử dụng
Thông thường, thời gian sử dụng một món đồ nhựa sẽ không kéo dài quá 15 phút nhưng chúng ta sẽ phải đợi 1000 năm thì chúng mới có thể phân huỷ. Chính vì vậy, việc thay đổi thói quen sống hàng ngày theo hướng bền vững hơn là điều vô cùng cần thiết. Các bạn có thể sử dụng các loại chai, túi có thể tái sử dụng lại nhiều lần. Từ đó giúp giảm thiểu số lượng rác thải nhựa ra môi trường.
3.2. Sử dụng tiết kiệm nguồn nước
Khách du lịch thường có thói quen sử dụng nhiều nước hơn so với người dân địa phương. Nếu kéo dài tình trạng này thì có thể khiến cạn kiệt nguồn nước tại những địa điểm du lịch nổi tiếng. Tập thói quen không xả nước bừa bãi, sử dụng nước một cách thông minh có thể giúp góp phần tiết kiệm khối lượng nước mỗi năm.
3.3. Mua hàng hoá địa phương
Một số giải pháp bảo vệ môi trường du lịch đó chính là mua hàng hoá địa phương. Việc các bạn mua các món hàng hoá địa phương tại nơi bạn đi du lịch có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế tại địa phương đó. Từ đó có thể giảm thiểu lượng khí thải carbon sản sinh trong quá trình vận chuyển hàng hoá. Chính vì vậy, du khách hãy thưởng thức các sản vật tươi ngon được nuôi trồng và chế biến trực tiếp tại địa phương đó nếu có cơ hội.
3.4. Ưu tiên những nhà cung cấp tour du lịch quan tâm đến môi trường
Mô hình du lịch theo tour sẽ bao gồm nhiều yếu tố tác động như con người, nhà cung cấp, hình thức vận chuyển, hậu cần và còn nhiều hơn thế. Mỗi mắt xích trong chuỗi hệ thống đó có thể gây tác động tích cực hoặc tiêu cực đến môi trường. Một số giải pháp bảo vệ môi trường du lịch chính là bạn hãy lựa chọn những nhà điều hành tour quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và giữ thái độ tôn trọng đối với nền văn hoá địa phương.
3.5. Hạn chế cho động vật ăn đồ ăn
Việc cho động vật hoang dã ăn hoặc tiếp cận gần chúng có thể làm lây lan các bệnh từ con người, như cảm lạnh, cúm, hay viêm phổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng. Không chỉ vậy, thói quen tiếp nhận thức ăn từ con người sẽ làm thay đổi bản năng sinh tồn tự nhiên của động vật, khiến chúng phụ thuộc vào nguồn thức ăn từ con người. Điều này đôi khi dẫn đến những xung đột không mong muốn giữa con người và động vật, gây nguy hiểm cho cả hai bên.
3.6. Không ăn thịt động vật hoang dã
Việc tiêu thị các món ăn, vật phẩm sản xuất từ động vật hoang dã có thể khiến thúc đẩy tình trạng săn bắn, buôn bán động vật hoang dã. Điều này sẽ khiến dẫn đến tình trạng các động vật hoang dã bị tuyệt chủng hoàn toàn vốn chúng đã bị đe doạ bởi biến đổi khí hậu cũng như mất môi trường sống. Lưu ý khi đi du lịch chính là các bạn hãy tránh xa những món đồ lưu niệm, vật phẩm, món ăn được làm từ động vật hoang dã.
3.7. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng
Du lịch là một trong những hoạt động có thể gia tăng lượng khí thải CO2 từ việc sử dụng các phương tiện giao thông. Thay vì di chuyển bằng xe cá nhân, các bạn có thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách thường xuyên hơn như xe buýt, tàu hoả…
3.8. Hạn chế việc vứt rác bừa bãi
Hãy luôn bỏ rác đúng nơi quy định để tránh gây ô nhiễm và giữ không gian xung quanh sạch đẹp. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa này giúp chúng ta lưu lại những hình ảnh đẹp, thay vì những tác động tiêu cực đến môi trường.
3.9. Lan tỏa ý thức về du lịch bền vững
Hãy tiên phong trong việc lựa chọn lối du lịch thân thiện với môi trường và truyền cảm hứng cho cộng đồng xung quanh. Chia sẻ với bạn bè, gia đình và những người đồng hành về tầm quan trọng của du lịch bền vững. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, việc bảo vệ môi trường còn đem lại lợi ích thiết thực cho cả hiện tại và tương lai của chúng ta.
4. Lời kết
Bài viết trên đã giúp các bạn tìm hiểu về một số giải pháp bảo vệ môi trường du lịch. Hy vọng những thông tin của chúng tôi sẽ giúp ích phần nào cho bạn. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo tại GREEN IN để có thêm nhiều thông tin được cập nhật mới nhất nhé!