Phát triển bền vững đã trở thành xu hướng toàn cầu và là yêu cầu cấp thiết với nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Bởi trong giai đoạn nền kinh tế đang ngày càng suy thoái, một doanh nghiệp không chỉ cần đảm bảo sự phát triển, tăng trưởng về kinh tế, tài chính mà còn phải giữ sự cân bằng với xã hội và môi trường. Đó cũng chính là tham gia vào quá trình đảm bảo các nguồn tài nguyên cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy những mô hình phát triển bền vững nào được áp dụng phổ biến nhất hiện nay, hãy cùng GREEN IN tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. Mô hình phát triển bền vững là gì?
“Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại khả năng của các thế hệ tương lai.” - Theo Liên Hợp Quốc trong Báo cáo Brundtland năm 1987
Phát triển bền vững - Sustainable Development được hiểu là quá trình phát triển tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc đáp ứng các nhu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường hiện nay mà không làm suy giảm tài nguyên hay gây nên những tác động tiêu cực đến thế hệ mai sau.
Mục đích cốt lõi của phát triển bền vững là mong muốn hình thành được sự cân bằng giữa quá trình tăng trưởng nền kinh tế, xây dựng xã hội văn minh và bảo vệ môi trường sống. Theo đó, 3 yếu tố quan trọng nhất của quá trình phát triển này phải kể đến như:
- Kinh tế: Mục đích của phát triển bền vững là mang đến sự tăng trưởng cho nền kinh tế nhưng không khiến nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai.
- Xã hội: Với phát triển bền vững, đảm bảo tất cả mọi người đều có thể được tiếp cận với y tế, giáo dục, làm việc trong một môi trường công bằng, văn minh.
- Môi trường: Đảm bảo tình trạng ô nhiễm ngày càng được đẩy lùi, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả và bảo tồn đa dạng sinh học để mang đến một môi trường xanh - sạch - đẹp cho thế hệ sau này.
Mô hình phát triển bền vững sẽ tập trung vào việc đánh giá vai trò của công tác quản lý một doanh nghiệp với quản lý tài nguyên. Tiền đề tạo nên những mô hình này là mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp có thể chú trọng vào các tiêu chuẩn môi trường, xã hội để mang đến sự bền vững giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đồng thời tạo nên giá trị lâu dài cho doanh nghiệp nói riêng, cộng đồng nói chung.
2. 4 mô hình phát triển bền vững phổ biến nhất hiện nay
2.1. Mô hình Triple Bottom Line (3P)
Triple Bottom Line còn được biết đến với cái tên quen thuộc là mô hình 3P với ba yếu tố chủ chốt là Planet (Hành tinh), People (Con người) và Profit (Lợi nhuận). Mục đích cốt lõi của mô hình này chính là muốn thay đổi quan niệm kinh doanh truyền thống đó là chỉ tập trung vào lợi nhuận sang hoạt động tạo nên những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và môi trường. Các doanh nghiệp thực hiện mô hình 3P sẽ cân bằng giữa 3 yếu tố trên: cam kết thực hiện những chính sách bảo vệ môi trường, xây dựng xã hội văn minh đồng thời vẫn tối ưu lợi nhuận.
2.2. Mô hình Creating Shared Value (CSV)
CSV là một trong những mô hình phát triển bền vững được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhất hiện nay với mục tiêu tạo ra những giá trị cân bằng giữa cả công ty lẫn cộng đồng. Với mô hình này, mục tiêu chính của doanh nghiệp không chỉ là tối đa hoá lợi nhuận cho bản thân như bản chất truyền thống của kinh doanh mà còn không ngừng hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội.
Trong mô hình CSV, việc tạo ra giá trị chia sẻ được thực hiện bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế và phát triển cộng đồng. Doanh nghiệp có thể tận dụng kiến thức, nguồn lực và năng lực của mình để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng địa phương. Các cấp độ của mô hình CSV mà doanh nghiệp có thể tham khảo như:
- Cung cấp các mặt hàng sản phẩm mang chất lượng tốt hơn cùng với giá thành phải chăng.
- Sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách khôn ngoan, đồng thời đẩy mạnh phát triển nền kinh tế xã hội.
- Thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng địa phương thông qua hỗ trợ khởi nghiệp, giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, phục hồi văn hóa bản địa.
2.3. Mô hình Social Impact Business (SIB)
Doanh nghiệp tạo tác động xã hội được hiểu là những tổ chức, doanh nghiệp mang đến những tác động tích cực lên xã hội, môi trường thông qua các hoạt động thương mại. Loại hình doanh nghiệp phát triển bền vững này có thể là những đơn vị kinh doanh xã hội, kinh doanh với nguồn nhân lực thu nhập thấy hay khởi nghiệp tạo tác động xã hội. Theo Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), khoảng 70% doanh nghiệp hoạt động theo mô hình SIB tại Việt Nam tạo được lợi nhuận, thậm chí 59% trong số đó có thể cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và xã hội. Sự cân bằng giữa mô hình thương mại với mục tiêu xã hội, môi trường cho phép mô hình SIB có thể tiến hành giải quyết các thách thức trong xã hội, môi trường một cách bền vững.
2.4. Mô hình ESG (Environmental, Social and Governance)
ESG (Environmental, Social, Governance) là một mô hình đầu tư dài hạn khi tuân theo một bộ tiêu chuẩn nhất định giúp đo lường một cách hiệu quả các yếu tố có thể tác động của doanh nghiệp lên cộng đồng. Theo đó, mô hình phát triển bền vững này sẽ dựa trên 3 yếu tố chính như sau:
- Environmental - Môi trường: Tính toán mức độ tác động đến môi trường của doanh nghiệp bao gồm một số tiêu chí như sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiết kế sản sản phẩm/dịch vụ thân thiện với hệ sinh thái và không ngừng đổi mới sáng tạo.
- Social - Xã hội: Đánh giá tác động của doanh nghiệp đến xã hội qua các yếu tố như sức khỏe và an toàn lao động, tính đa dạng, quan hệ với cộng đồng và các hoạt động thiện nguyện.
- Governance - Quản trị: Xem xét cơ chế quản lý và điều hành doanh nghiệp tập trung vào các quyền lợi của cổ đông, tính đa dạng trong cơ cấu của hội đồng quản trị, thù lao của ban lãnh đạo cùng những biện pháp phòng chống gian lận và tham nhũng.
Các doanh nghiệp áp dụng mô hình phát triển bền vững ESG sẽ có được những lợi ích bền vững trong thời gian dài:
- Thứ nhất, việc quản lý hiệu quả và tạo ra những tác động tích cực lên xã hội sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được một hình ảnh uy tín, củng cố mối quan hệ với các nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng.
- Thứ hai, áp dụng các tiêu chuẩn trong mô hình phát triển bền vững ESG có thể giảm thiểu tối đa rủi ro và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới như tiết kiệm năng lượng, đa dạng hóa nguồn nhân lực hoặc phát triển các sản phẩm/dịch vụ bền vững.
- Thứ ba, doanh nghiệp có thể thu hút và giữ chân những nhân tài nhờ vào các cam kết với tiêu chuẩn ESG.
3. Các doanh nghiệp tiên phong phát triển bền vững tại Việt Nam
3.1. Vinamilk
Tập đoàn Vinamilk được biết đến là đơn vị tiên phong trong ngành kinh doanh sữa tại Việt Nam cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính cũng như xây dựng hệ sinh thái bền vững. Thương hiệu đã cho xây dựng các trang trại bò sữa được đánh giá đạt chuẩn organic Châu Âu, sử dụng các công nghệ hiện đại vào trong quá trình sản xuất để giảm thiểu phát thải cũng như tối ưu hoá nguồn nước thải. Đặc biệt, việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời tại nhiều cơ sở nhà máy cũng giúp giảm lượng khí thải carbon trong xuyên suốt quá trình sản xuất. Mô hình CSV mà doanh nghiệp áp dụng đã mang đến nguồn lợi nhuận bền vững và hình ảnh tốt đẹp trong mắt đối tác, khách hàng.
3.2. Hoà Phát
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp cơ khí tại Việt Nam áp ụng mô hình 3P một cách chặt chẽ, Hoà Phát cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính thông qua việc sử dụng công nghệ kỹ thuận tiên tiến vào trong quy trình sản xuất thép thân thiện với môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã tiến hành xây dựng hệ thống xử lý khí thải hiện đại tại các nhà máy. Bên cạnh đó, Hoà Phát còn áp dụng quy trình tuần hoàn nước và quản lý chất thải một cách nghiêm ngặt nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường.
3.3. Koto (Know One, Teach One)
Koto là một doanh nghiệp tại Việt Nam hoạt động theo mô hình SIB trong lĩnh vực đào tạo ngành nghề nhà hàng - khách sạn cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức này không chỉ truyền thụ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp mà còn giúp học viên phát triển kỹ năng sống, mở ra cơ hội việc làm bền vững. Mô hình của Koto cân bằng giữa mục tiêu xã hội và lợi nhuận từ các nhà hàng do chính học viên vận hành
4. Lời kết
Bài viết trên đã giúp các bạn tìm hiểu về mô hình phát triển bền vững. Hy vọng những thông tin của chúng tôi sẽ giúp ích phần nào đó dành cho bạn cũng như giúp ích vào quá trình bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của GREEN IN để có thêm nhiều thông tin được cập nhật mới nhất nhé!