Kết quả khảo sát của KPMG về xu hướng các báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp trên khắp thế giới trong năm 2024 chỉ ra nhiều thông tin và con số thú vị. Trong đó có 02 điểm đáng chú ý nhất mà doanh nghiệp cần quan tâm.
Công bố thông tin liên quan tới phát triển bền vững đang và sẽ là trách nhiệm bắt buộc
Điều này được thể hiện qua xu hướng chính sách khi hàng loạt quốc gia trên khắp thế giới ban hành quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp về công bố thông tin bền vững và/hoặc thông tin khí hậu. Chính sách của các quốc gia từ Châu ÂU cho tới Châu Mỹ, và cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ có hiệu lực thực thi bắt đầu từ 2025 tới 2028.
Các chính sách này sẽ tạo ra một “luật chơi mới” trong môi trường kinh doanh quốc tế và sẽ tác động trực tiếp, cũng như gián tiếp tới doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vì với đặc điểm của các chính sách mới thường có phạm vi áp dụng không chỉ trong nội bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, mà còn bao trùm lên toàn bộ chuỗi giá trị của công ty đó. Vì vậy, các đối tác trong chuỗi giá trị dù không chịu sự điều chỉnh trực tiếp nhưng sẽ bị tác động gián tiếp.
Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt và thích nghi với luật chơi mới này nếu không muốn thua ở trên thương trường.
Báo cáo bền vững đã và đang trở thành hoạt động thường xuyên của các doanh nghiệp.
Điều này được thể hiện thông qua con số thống kê có tới 79% doanh nghiệp thuộc nhóm 5,800 doanh nghiệp TOP 100 (của 58 quốc gia, trong đó có Việt Nam) đã có Báo cáo phát triển bền vững, Trong khi đó, với TOP 250 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu thì tỷ lệ này là 96%.
Tuy nhiên, số liệu này ở Việt Nam lại giảm xuống. So với năm 2022, khi có tới 87% doanh nghiệp thuộc TOP100 của Việt Nam lập công bố báo cáo phát triển bền vững, thì năm 2024, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 69%.
Ngoài ra, để sớm thích ứng với những tác động sâu và rộng của Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững Châu Âu (CSRD), một số công ty đã chủ động áp dụng phương pháp tiếp cận “tính trọng yếu kép” (double materiality) trong quá trình lập báo cáo bền vững của năm 2023-2024.
Để sẵn sàng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam nên sớm chủ động thực hành và lập báo cáo ESG theo các tiêu chuẩn quốc tế để gia tăng lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi giá trị của mình.