Blog

Kiểm kê khí nhà kính và những quy định cần nắm vững

Kiểm kê khí nhà kính và những quy định cần nắm vững

Trong bối cảnh hiện nay khi nóng lên toàn cầu trở thành vấn đề cấp thiết nhất mà Trái đất phải đối mặt, Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng có yêu cầu khắt khe hơn về những hoạt động thải ra môi trường các khí gây nên hiệu ứng khí nhà kính,  hay phát thải khí nhà kính. Do đó, việc nắm bắt và quản lý hiệu quả những vấn đề liên quan đến khí nhà kính sẽ đảm bảo được sự phát triển bền vững cũng như khả năng thích ứng nhanh với chính sách của quốc gia, khu vực và thế giới.

Tại Hội nghị COP26 được tổ chức tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, tất cả 197 quốc gia tham gia đều đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Hiệp ước đặt mục tiêu giảm lượng khí nhà kính xuống một cách nhanh chóng, trong đó, khí CO2 giảm 45%, CH4 giảm 30% vào năm 2030 để đạt Net Zero vào năm 2050.

Việt Nam - một quốc gia đang phát triển cũng đã và đang triển khai những biện pháp giảm lượng phát thải khí nhà kính hiệu quả bằng nguồn lực hiện có. Là công dân của đất nước, bạn hiểu thế nào là kiểm kê khí nhà kính? Việc thực hiện quá trình kiểm kê như thế nào được xem là hiệu quả? Cùng tìm hiểu qua nội dung dưới đây!

1. Kiểm kê khí nhà kính là gì?

Theo Nghị định số 06/2022 về “Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone” được Chính Phủ ban hành vào ngày 07/01/2022 có quy định như sau:

“Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong một phim vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.”

kiểm kê khí nhà kính là gì

Hiểu theo một cách đơn giản thì kiểm kê khí nhà kính là một hoạt động bao gồm việc thu thập thông tin, số liệu, xác định, tính toán và báo cáo lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường từ các dự án, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc quốc gia. Phạm vi đo lường tổng lượng phát thải của doanh nghiệp bao gồm phát thải trực tiếp, phát thải gián tiếp từ nguồn năng lượng mua ngoài và gián tiếp từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh khác nằm trong chuỗi cung ứng.

2. Lý do phải kiểm kê khí nhà kính

Đầu tiên, việc kiểm kê khí nhà kính xuất phát từ Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, có 6 lĩnh vực phải tiến hành kiểm kê khí nhà kính bao gồm năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp - lâm nghiệp - sử dụng đất và chất thải.

DANH MỤC LĨNH VỰC PHẢI THỰC HIỆN KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH

(Kèm theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

STTLĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính
INăng lượng
1Công nghiệp sản xuất năng lượng
2Tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng
3Khai thác than
4Khai thác dầu và khí tự nhiên
IIGiao thông vận tải
1Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải
IIIXây dựng
1Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng
2Các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng
IVCác quá trình công nghiệp
1Sản xuất hóa chất
2Luyện kim
3Công nghiệp điện tử
4Sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn
5Sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác
VNông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất
1Chăn nuôi
2Lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất
3Trồng trọt
4Tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
5Các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp
VIChất thải
1Bãi chôn lấp chất thải rắn
2Xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học
3Thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải
4Xử lý và xả thải nước thải

 

Trong 6 lĩnh vực trên, các cơ sở phát thải khí nhà kính có mức phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau sẽ phải thực hiện kiểm kê:

  • Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên.
  • Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên.
  • Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên.
  • Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

lĩnh vực cần kiểm kê khí nhà kính

 

Thứ 2, quá trình kiểm kê khí nhà kính được nhãn hàng đưa ra yêu cầu và thúc đẩy thực hiện thông qua:

  • “Phần 1: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn để định lượng và báo cáo các phát thải và loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ tổ chức” được quy định tại Tiêu chuẩn TCVN ISO 14064-1:2011
  • Chỉ số Higg Index (Higg FEM 3.0)
  • Tiêu chuẩn Tái chế Toàn cầu Global Recycled Standard (GRS 4.0) của Textile Exchange
  • Tiêu chuẩn Dệt may Hữu cơ Toàn cầu Global Organic Textile Standard (GOTS 6.0)

3. Các bước tiến hành kiểm kê khí nhà kính

Theo Cơ quan bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) ban hành, kiểm kê khí nhà kính được tiến hành theo 4 bước chính sau:

3.1. Bước 1: Xác định rõ phạm vi và kế hoạch kiểm kê

  • Xem xét phương pháp và tiêu chuẩn tính toán khí nhà kính  phục vụ việc báo cáo của tổ chức: Bước đầu tiên trong việc kiểm kê khí nhà kính là xác định các phương pháp và tiêu chuẩn thích hợp như ISO hoặc các khung quốc tế khác. Điều này đảm bảo các số liệu được thu thập sẽ đáng tin cậy và có thể sử dụng trên phạm vi quốc tế.
  • Xác định ranh giới tổ chức và hoạt động: Tổ chức cần xác định phạm vi của kiểm kê, bao gồm các đối tượng và hoạt động sẽ được tính toán lượng phát thải khí nhà kính.
  • Chọn năm cơ sở: Việc lựa chọn sẽ giúp tổ chức so sánh được lượng phát thải khí nhà kính qua các năm để đánh giá tiến độ giảm thiểu.
  • Xem xét thẩm định bởi bên thứ ba: Để đảm bảo tính chính xác và minh bạch, tổ chức nên cân nhắc sử dụng dịch vụ thẩm định từ bên thứ ba có chuyên môn.

3.2. Bước 2: Thu thập dữ liệu và tính toán 

  • Xác định các yêu cầu về dữ liệu và phương pháp thu thập: Xác định rõ những loại dữ liệu nào cần thu thập và các phương pháp hợp lý để thu thập chúng.
  • Xây dựng quy trình thu thập dữ liệu: Việc xây dựng đảm bảo tính nhất quán và đầy đủ.
  • Tổng hợp và rà soát dữ liệu của cơ sở: Dữ liệu hiện có cần được rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ.
  • Ước tính dữ liệu bị thiếu: Trong trường hợp dữ liệu không đủ, tổ chức cần phải ước tính và điều chỉnh để hoàn thành bộ dữ liệu.
  • Chọn hệ số phát thải và tính toán: Sử dụng hệ số phát thải phù hợp để tính toán lượng phát thải từ các hoạt động khác nhau của tổ chức.

3.3. Bước 3: Phát triển kế hoạch quản lý kiểm kê khí nhà kính

  • Hoàn thiện thủ tục thu thập dữ liệu: Các quy trình thu thập dữ liệu cần được hoàn thiện và tích hợp vào hệ thống quản lý của tổ chức.
  • Lập văn bản ghi lại toàn bộ quá trình: Toàn bộ các bước và quy trình kiểm kê cần được ghi chép lại đầy đủ để làm tài liệu tham khảo.

3.4. Bước 4: Thiết lập mục tiêu giảm phát thải, theo dõi và báo cáo tiến độ kịp thời

  • Hoàn thiện dữ liệu: Đảm bảo tất cả các dữ liệu đã được thu thập và kiểm tra tính chính xác.
  • Hoàn thành thẩm định bởi bên thứ ba: Việc làm này để đảm bảo tính minh bạch và chính xác.
  • Báo cáo dữ liệu khi cần thiết: Cần có kế hoạch báo cáo rõ ràng, đặc biệt là khi các bên liên quan yêu cầu.
  • Thiết lập quy trình theo dõi và đặt mục tiêu KNK: Sau khi hoàn tất kiểm kê, tổ chức cần thiết lập mục tiêu giảm phát thải và thực hiện theo dõi để báo cáo tiến độ nhanh chóng.

4. Kết luận

Việc tiến hành kiểm kê khí nhà kính không chỉ giúp tổ chức/cơ sở nắm được lượng phát thải mà còn tạo cơ sở để thiết lập các mục tiêu giảm phát thải bền vững trong tương lai. Tại Việt Nam, các cơ sở phát thải khí nhà kính được khuyến khích giảm nhẹ lượng phát thải phù hợp với điều kiện và hoạt động của doanh nghiệp, từ đó chung tay bảo vệ môi trường bền vững.

← Bài trước Bài sau →