Việc nắm được quy trình kiểm kê khí nhà kính là việc làm rất quan trọng. Bài viết dưới đây, GREEN IN sẽ hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính đúng quy định và chi tiết nhất.
Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện theo các bước sau:
1. Bước 1: Xác định phạm vi và phương pháp kiểm kê khí nhà kính
Xác định phạm vi hoạt động: Thực hiện theo ISO 14064-1:2018 và Phần 1 của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14064-1:2011, nội dung bao gồm:
- Xác định rõ hoạt động gây nên phát thải khí nhà kính
- Phân loại các nguồn phát thải khí nhà kính thành nguồn phát thải trực tiếp và gián tiếp.
Xác định phương pháp: Thực hiện theo quy định tại Phụ lục II.1 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT.
2. Bước 2: Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính
Hệ số trong tính toán phát thải khí nhà kính được áp dụng theo danh mục hệ số phát thải do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố. Tùy vào từng lĩnh vực mà cơ sở hoạt động sẽ có hệ số riêng.
3. Bước 3: Thu thập số liệu hoạt động nhằm mục đích kiểm kê khí nhà kính
Số liệu hoạt động cho từng nguồn phát thải khí nhà kính cấp cơ sở được lựa chọn và thu thập theo quy định tại Phụ lục II.2 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT.
4. Bước 4: Tính toán kết quả kiểm kê khí nhà kính
Quá trình tính toán phát thải kiểm kê khí nhà kính được căn cứ theo quy định tại Điều 16 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT. Việc tính toán sẽ dựa trên các biểu mẫu chứa các số liệu từ số liệu đầu vào, số liệu hoạt động, hệ số phát thải, lượng phát thải, hệ số làm nóng lên toàn cầu… Dựa vào đây, bạn có thể tính toán kiểm kê khí nhà kính một cách cụ thể, chính xác nhất.
5. Bước 5: Kiểm soát và đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính
Hoạt động này được thực hiện dựa trên “Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14064-1:2011, Phần 1: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn để định lượng và báo cáo các phát thải và loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ cơ sở.” Quy trình bao gồm các bước sau đây:
- Xác định và kiểm tra về trách nhiệm, quyền hạn của những người có trách nhiệm triển khai kiểm kê khí nhà kính.
- Xác định, áp dụng và kiểm tra việc đào tạo tương ứng cho các thành viên thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
- Xác định và kiểm tra các ranh giới hoạt động của cơ sở.
- Xác định và kiểm tra các nguồn phát thải khí nhà kính.
- Lựa chọn và kiểm tra các phương pháp luận định lượng, gồm cả các số liệu hoạt động khí nhà kính và các hệ số phát thải khí nhà kính.
- Kiểm tra việc áp dụng các phương pháp kiểm kê khí nhà kính để đảm bảo sự nhất quán trong nhiều cơ sở.
- Sử dụng, bảo dưỡng và kiểm định thiết bị đo.
- Xây dựng và bảo trì hệ thống thu thập số liệu.
- Định kỳ kiểm tra độ chính xác của các phương tiện đo.
- Đánh giá nội bộ và tiến hành kiểm tra kỹ thuật định kỳ.
6. Bước 6: Đánh giá độ không chắc chắn của kết quả kiểm kê
Tại bước này, việc đánh giá cấp cơ sở sẽ được thực hiện theo quy định tại Phụ lục II.3 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT.
7. Bước 7: Tính toán lại kết quả kiểm kê
- Quá trình tính toán lại kết quả chỉ được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Thay đổi về ranh giới hoạt động dẫn tới thay đổi về nguồn phát thải cũng như số liệu hoạt động của cơ sở bị ảnh hưởng theo.
- Thay đổi về nguồn phát thải khí nhà kính do thay đổi quyền sở hữu, vận hành cơ sở.
- Có những sai sót trong việc lựa chọn và sử dụng phương pháp tính toán lượng phát thải khí nhà kính và áp dụng hệ số phát thải.
- Phát hiện sai sót trong thu thập, xử lý số liệu hoạt động của cơ sở dẫn tới kết quả tính toán lượng phát thải khí nhà kính biến động trên 10% so với kết quả đã được báo cáo trước đó.
Lưu ý: Kết quả tính toán lại sẽ được ghi lại rõ ràng trong báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở ở kỳ báo cáo kế tiếp.
8. Bước 8: Xây dựng báo cáo
Xây dựng báo cáo được dựa theo Mẫu 06, Phụ lục II Nghị định 06/2022/NĐ-CP về việc quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, gửi cơ quan thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định theo quy định.
Kết quả kiểm kê sau khi được bộ ban ngành thẩm định sẽ được gửi lên Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tuyến trên hệ thống cơ sở dữ liệu.
Với tình trạng cấp thiết về ô nhiễm môi trường hiện nay, việc kiểm kê khí nhà kính được xem là hoạt động cấp thiết để giảm thiểu lượng khí thải độc hại ra môi trường. Theo đó, việc nắm được hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong quá trình làm việc cũng như lựa chọn được giải pháp khắc phục thích hợp cho doanh nghiệp.