Tín chỉ carbon và Hạn ngạch phát thải là hai khái niệm quan trọng trong thị trường carbon và là công cụ hữu hiệu để giảm phát thải KNK. Tuy cả hai đều có đơn vị là 01 tấn CO2e nhưng xét về bản chất và đặc điểm của chúng thì hoàn toàn khác nhau. Thực tiễn cho thấy nhiều người vẫn thường bị nhầm lẫn, do vậy bài viết này sẽ giúp gỡ rối các khái niệm này.
Đặc điểm
Hạn ngạch phát thải thể hiện cho quyền phát thải KNK ra bầu khí quyền mà Chính phủ cấp cho các cơ sở tham gia Thị trường carbon bắt buộc (ETS). Hạn ngạch được Chính phủ phân bổ cho các cơ sở dựa trên mục tiêu phát thải của quốc gia và ngành/lĩnh vực. Đầu năm, Chính phủ sẽ phân bổ một lượng hạn ngạch phù hợp. Tới cuối năm, cơ sở sẽ phải nộp trả lượng hạn ngạch tương ứng với tổng lượng phát thải thực tế của cơ sở trong năm đó. Trường hợp, lượng phát thải thực tế vượt quá lượng hạn ngạch được Chính phủ cấp, cơ sở sẽ phải mua bổ sung hoặc vay mượn để bù cho lượng chênh lệch.
Tín chỉ carbon được tạo ra từ các dự án giảm/tránh phát thải hoặc loại bỏ KNK khỏi bầu khí quyền. Ví dụ như dự án trồng rừng, năng lượng tái tạo hoặc thu giữ CO2,…. Chủ đầu tư sẽ được các Tổ chức tiêu chuẩn độc lập hoặc Chính phủ phê duyệt phát hành nếu dự án đáp ứng được các điều kiện cụ thể theo từng loại hình dự án. Sau đó, chủ đầu tư có thể giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường carbon tự nguyện. Pháp luật một số quốc gia (ví dụ như Việt Nam) cũng có cho phép Tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường ETS để bù trừ cho một lượng nhỏ (10%) hạn ngạch phát thải. Tuy nhiên, cũng có những nơi như EU không cho phép dùng tín chỉ carbon để bù trừ cho hạn ngạch phát thải.
Các điểm khác nhau cơ bản
- Nguồn gốc: Tín chỉ carbon thường được tạo ra từ các hoạt động giảm/tránh phát thải hoặc loại bỏ KNK. Trong khi hạn ngạch phát thải là quyền phát thải mà Chính phủ cấp cho các cơ sở tham gia ETS.
- Chức năng: Tín chỉ carbon là công cụ tài chính để khuyến khích giảm phát thải. Trong khi hạn ngạch phát thải là công cụ chính sách để Chính phủ kiểm soát tổng lượng phát thải.
- Thị trường: Tín chỉ carbon có thể được giao dịch trên thị trường carbon tự nguyện (và ETS tại một số quốc gia). Trong khi hạn ngạch phát thải chỉ được giao dịch giữa trên thị trường ETS.
- Chủ thể có quyền giao dịch: Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 06, dự kiến mọi cá nhân, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài có thể tham gia giao dịch Tín chỉ carbon. Trong khi chỉ những cơ sở được Chính phủ phân bổ hạn ngạch mới được phép giao dịch Hạn ngạch phát thải.
Kết luận
Hiểu rõ sự khác biệt giữa tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải là rất quan trọng để các tổ chức có thể quản lý hiệu quả phát thải khí nhà kính của mình, đồng thời tuân thủ các quy định và tham gia vào Thị trường carbon.