Blog

Doanh nghiệp cần quan tâm: Những thay đổi đáng chú ý của CBAM từ 01/01/2025

Doanh nghiệp cần quan tâm: Những thay đổi đáng chú ý của CBAM từ 01/01/2025

Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) là chính sách do Liên minh Châu Âu ban hành, nằm trong gói chính sách “Fit for 55” nhằm giúp EU giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 (so với năm 1990), và xa hơn là đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050.

CBAM nhằm định giá công bằng cho lượng khí nhà kính phát thải trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu vào EU có mức phát thải cao. EU triển khai CBAM dần dần theo 03 giai đoạn:

  • Giai đoạn chuyển tiếp: từ tháng 10/2023 tới hết năm 2025
  • Giai đoạn chính thức: từ tháng 1/2026 tới hết năm 2033
  • Giai đoạn toàn diện: từ tháng 1/2034 trở đi

Trong giai đoạn chuyển tiếp, các đơn vị nhập khẩu mới chỉ phải khai báo dữ liệu phát thải cho cơ quan quản lý. Tuy nhiên, từ 01/2026 trở đi, khi hàng hóa có lượng phát thải vượt quá mức EU quy định thì nhà nhập khẩu sẽ phải mua CBAM Certificate để bù trừ.

Năm 2025 là năm cuối cùng trong Giai đoạn chuyển tiếp, Ủy ban Châu Âu sẽ có những điều chỉnh để chuẩn bị cho Giai đoạn chính thức từ năm 2026.

Phương pháp tính phát thải

EU sẽ chỉ chấp nhận phương pháp tính toán phát thải theo phương pháp luận của EU. Phương pháp luận tính toán phát thải để khai báo cho EU khá đặc thù. Nó không phải phương pháp tính toán phát thải của cơ cở. Mà nó tương tự phương pháp tính toán phát thải theo vòng đời sản phẩm.

Tuy nhiên, phạm vi tính toán không bao trùm toàn bộ từ khâu khai thác nguyên vật liệu đầu vào tới xử lý cuối vòng đời sản phẩm. Mà phạm vi chỉ bao gồm:

  • Phát thải trực tiếp và gián tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến nguyên vật liệu đầu vào (không bao gồm khâu khai thác, vận chuyển)
  • Phát thải trực tiếp và gián tiếp trong quá trình sản xuất hàng hóa thành phẩm.

Khi mới bắt đầu thực thi CBAM, để tạo sự linh hoạt và đơn giản cho các bên trong việc khai báo, EU ban hành và áp dụng các “giá trị mặc định” khi chưa thể tính toán phát thải thực tế. Tuy nhiên kể từ 1/1/2025 trở đi, giá trị mặc định sẽ không còn được áp dụng. Ngoại trừ đối với hàng hóa phức tạp, việc sử dụng giá trị mặc định hoặc các ước tính khác nếu chúng chiếm dưới 20% tổng lượng phát thải trong hàng hóa.

Doanh nghiệp ngoài EU có thể khai báo trực tiếp

EU sẽ cho phép các nhà sản xuất ngoài EU khai báo trực tiếp trên Hệ thống cơ sở dữ liệu CBAM. Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất ngoài EU chủ động hơn trong việc khai báo. Cụ thể, với những nhà sản xuất bán hàng cho nhiều đối tác EU, thì chỉ cần khai báo 1 lần trong quý, thay vì phải khai báo nhiều lần cho các đối tác khác nhau.

Hơn nữa, việc khai báo trực tiếp cũng giúp nhà sản xuất ngoài EU đảm bảo bảo mật thông tin nhạy cảm, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Cổng đăng ký sẽ mở từ 01/01/2025.

EU tiến hành rà soát để bổ sung thêm hàng hóa vào danh mục chịu sự điều chỉnh

Trong năm 2025, Ủy ban Châu Âu sẽ tiến hành rà soát và đánh giá kết quả triển khai Giai đoạn chuyển tiếp. Một trong những mục tiêu của rà soát nhằm gia tăng danh mục hàng hóa chịu sự điều chỉnh của CBAM cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.

Về chiều sâu, với 06 ngành hàng đang trong danh mục là Xi măng, Sắt thép, Phân bón, Nhôm, Điện và Hydrogen, EU sẽ bổ sung thêm một số hàng hóa tại hạ nguồn của chuỗi giá trị các ngành này.

Về chiều rộng, EU sẽ xem xét bổ sung thêm một số ngành hàng khác có lượng phát thải lớn vào danh mục. Ví dụ như Giấy và các sản phẩm từ giấy; Nhựa và các sản phẩm từ nhựa; Gương/Kính và các sản phẩm từ gương/kính;….. Do vậy, doanh nghiệp đang xuất khẩu sang EU những mặt hàng này cần đặc biệt lưu ý để chuẩn bị thích ứng.

Chủ động thích ứng với những thay đổi của chính sách không những giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, mà còn mở ra cơ hội có thêm các đơn hàng mới tại thị trường khó tính như EU.

← Bài trước Bài sau →