Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững (PTBV) của Doanh nghiệp, gọi tắt là chỉ thị CSRD, được Liên minh Châu Âu (EU) ban hành vào tháng 12 năm 2022 và chính thức có hiệu lực cho các báo cáo phát hành từ năm tài chính 2024 (trừ một số ngành và các doanh nghiệp không đặt trụ sở tại EU sẽ cần tuân thủ từ năm 2026).
Theo đó, Chỉ thị CSRD nhận được nhiều sự chú ý trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Một trong những nguyên nhân chính là bởi Chỉ thị CSRD mang tính bắt buộc thay vì tự nguyện như các tiêu chuẩn và khung hướng dẫn báo cáo phát triển bền vững hiện hành như: Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI), Lực lượng Chuyên trách các Báo cáo Tài chính liên quan đến Khí hậu (TCFD), Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Bền vững (SASB)… Quan trọng hơn, Chỉ thị CSRD sẽ có ảnh hưởng đến doanh nghiệp trên toàn thế giới, không chỉ trong phạm vi châu Âu.
Theo PwC, một trong những bước tiến lớn của Chỉ thị CSRD trong việc đẩy mạnh thực hành phát triển bền vững là thay vì chỉ tập trung vào dấu chân môi trường của bản thân doanh nghiệp, CSRD nhấn mạnh vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp, vốn là yếu tố chính góp phần tạo ra các tác động của doanh nghiệp lên môi trường và xã hội.
Bên cạnh đó, Chỉ thị CSRD đề cao tính minh bạch trong việc công bố thông tin phát triển bền vững. Cụ thể, Chỉ thị CSRD yêu cầu thực hiện đảm bảo số liệu báo cáo bởi bên thứ ba độc lập ở mức đảm bảo có giới hạn. Trong tương lai, Chỉ thị CSRD sẽ tiến đến yêu cầu thực hiện đảm bảo hợp lý, tương đương với mức độ đảm bảo cho báo cáo tài chính.
“Với tính phức tạp và đa chiều của các chủ đề liên quan đến phát triển bền vững, yêu cầu này giúp nâng cao tính chính xác, đầy đủ và khách quan trong thông tin được đưa vào báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp, tránh tình trạng chỉ báo cáo những mặt tích cực (cherry-picking), bỏ sót thông tin hay nhấn mạnh quá mức”, PwC cho hay.
Cũng theo PwC, sự ra đời của Chỉ thị CSRD cũng đòi hỏi sự lưu tâm của bộ phận thuế trong doanh nghiệp. Với những yêu cầu báo cáo mới và khắt khe, Chỉ thị CSRD sẽ tạo áp lực để chính doanh nghiệp cũng như toàn bộ chuỗi giá trị thay đổi cách thức hoạt động, kéo theo các ảnh hưởng về thuế và pháp lý…
Tác động đối với doanh nghiệp Việt
Theo PwC, Chỉ thị CSRD đang và sẽ có tác động mạnh mẽ ở Việt Nam. Bởi trong bối cảnh hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều EU – Việt Nam ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Kể từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết, 25/27 nước thành viên EU đã đầu tư hơn 22 tỷ USD vào hơn 2.000 dự án FDI tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU, đồng thời xếp thứ 11 trong các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường này.
“Với việc một lượng lớn doanh nghiệp Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp hoạt động tại châu Âu, sự ra đời của Chỉ thị CSRD sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp này đẩy mạnh việc chuẩn bị số liệu và lập báo cáo phát triển bền vững để cung cấp cho công ty mẹ hoặc doanh nghiệp đối tác tại châu Âu khi có yêu cầu”, báo cáo của PwC nêu.
PwC cũng phân tích các tác động của Chỉ thị CSRD đối với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của đối tác châu Âu tại Việt Nam, đồng thời đề xuất các bước chuẩn bị cho các doanh nghiệp này. Cụ thể, theo quan điểm của PwC, dựa trên cơ sở yêu cầu báo cáo hiện hành tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt thuộc chuỗi giá trị của đối tác châu Âu nên lưu ý ba yêu cầu báo cáo thuộc Chỉ thị CSRD:
Thứ nhất, là vấn đề phát thải khí nhà kính: Theo PwC, dù đã nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm các doanh nghiệp niêm yết) hiện chưa sẵn sàng cho việc kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính. Trong số các doanh nghiệp thuộc rổ chỉ số VN100, chỉ có 12 doanh nghiệp đã thực hiện kiểm kê ở phạm vi phát thải 1 và 2, và chỉ có 7 doanh nghiệp đề cập đầy đủ phát thải phạm vi phát thải 1, 2 và 3.
“Trường hợp phát thải khí nhà kính thuộc phạm vi phát thải 3 là vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp châu Âu cần tuân thủ Chỉ thị CSRD, các đối tác cung ứng tại Việt Nam sẽ phải tổng hợp dữ liệu phát thải và nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính trong nội bộ doanh nghiệp cũng như chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đó. Ngoài Chỉ thị báo cáo CSRD, châu Âu cũng đã triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon nhằm đánh thuế các-bon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Hai luật định này sẽ khiến việc kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính trở thành điều kiện tất yếu để gia nhập thị trường EU”, PwC nêu trong báo cáo.
Đối với vấn đề phát thải khí nhà kính, PwC phân tích các lộ trình đề xuất cho doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và năng lực về quản lý, kiểm kê và giảm thiểu phát thải khí nhà kính cho nhân sự trong nội bộ doanh nghiệp. Đồng thời, thiết lập các chính sách và quy trình khử các-bon, triển khai thực hiện các phương pháp sản xuất có phát thải các-bon thấp để giảm lượng phát thải trong quá trình sản xuất, tập trung vào năng lượng và giao thông vận tải do đây là hai lĩnh vực gây phát thải khí nhà kính nhiều nhất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cần đặt các mục tiêu giảm phát thải phù hợp với khoa học khí hậu, tức là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C. Ngoài ra, cần nghiên cứu các yêu cầu về báo cáo phát thải khí nhà kính, phát triển các quy trình nội bộ, hệ thống kiểm kê lượng phát thải và quản lý dữ liệu bài bản, phục vụ cho quá trình đảm bảo các số liệu trong báo cáo.
“Doanh nghiệp có thể tham khảo các luật định liên quan tại Việt Nam, bao gồm Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn”, PwC chỉ rõ.
Thứ hai, là vấn đề đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Theo PwC, tuy Việt Nam đã có một số doanh nghiệp thực hành bảo tồn cũng như khôi phục đa dạng sinh học trong sản xuất kinh doanh, song nhìn chung sự tham gia của doanh nghiệp còn tương đối hạn chế, chủ yếu theo hướng tự nguyện và theo sự huy động nguồn lực của các tổ chức vì môi trường thay vì việc doanh nghiệp chủ động đánh giá tác động và triển khai thực hiện. Trong khi đó, Báo cáo “Đánh giá đa dạng sinh học ở Việt Nam” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho thấy, các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới đa dạng sinh học ở Việt Nam. Ngoài ra, các luật định của Việt Nam hiện chưa có nhiều hướng dẫn cụ thể và nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đánh giá tác động và giảm thiểu ảnh hưởng lên đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Theo yêu cầu của Chỉ thị CSRD, các doanh nghiệp hay nhà sản xuất tại Việt Nam sẽ cần thực hiện đánh giá tác động của doanh nghiệp lên hệ sinh thái xung quanh khu vực hoạt động và sản xuất của họ, tiến hành thu thập các thông tin liên quan đến đa dạng sinh học để hỗ trợ việc đánh giá tính trọng yếu kép của doanh nghiệp đối tác tại Châu Âu, cũng như lập báo cáo về chủ đề này nếu đây được xác định là một trong các chủ đề trọng yếu của doanh nghiệp đối tác.
PwC đề xuất lộ trình thực hiện tiêu chí này cho doanh nghiệp: Nâng cao nhận thức và năng lực về bảo tồn đa dạng sinh học cho nhân sự trong nội bộ doanh nghiệp; đánh giá tác động của doanh nghiệp lên hệ sinh thái xung quanh khu vực hoạt động và sản xuất của doanh nghiệp và các rủi ro và cơ hội đi kèm; có quy trình đo lường, thu thập số liệu và hệ thống quản lý dữ liệu bài bản, phục vụ cho quá trình đảm bảo các số liệu trong báo cáo. Doanh nghiệp Việt có thể tham khảo các luật định liên quan tại Việt Nam, bao gồm: Luật Đa dạng sinh học 2008; Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/01/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Thứ ba, các vấn đề xã hội và quyền con người. PwC cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có ý thức tôn trọng, bảo vệ quyền của người lao động, quyền của khách hàng và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền con người của các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng có xu hướng gia tăng về số lượng, tính nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng. Một số vi phạm nổi bật bao gồm tình trạng doanh nghiệp phân biệt đối xử, sử dụng lao động trẻ em, không bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, thời giờ nghỉ ngơi, mức lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, quyền hoạt động công đoàn của công nhân…
PwC dẫn chứng các dữ liệu: Thu nhập bình quân tháng của lao động nam hiện cao gấp 1,35 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,3 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng). Hay tại Việt Nam, có hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi 5 – 17 tham gia lao động, chiếm 5,4% tổng số trẻ em trong độ tuổi này.
“Với sự ra đời của Chỉ thị CSRD, các doanh nghiệp và nhà sản xuất tại Việt Nam cần thu thập các thông tin liên quan đến việc đảm bảo nhân quyền trong sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ việc đánh giá tính trọng yếu kép của doanh nghiệp đối tác tại châu Âu, cũng như để doanh nghiệp đó lập báo cáo về chủ đề này nếu đây được xác định là một trong các chủ đề trọng yếu”, báo cáo PwC nêu.
PwC cũng đề xuất lộ trình thực hiện cho doanh nghiệp: Cần nâng cao nhận thức và năng lực về đảm bảo nhân quyền cho nhân sự trong nội bộ doanh nghiệp; đẩy mạnh việc đảm bảo các tiêu chuẩn về lao động và môi trường sản xuất, kinh doanh; đồng thời, siết chặt hệ thống kiểm soát nội bộ, thiết lập hệ thống quản lý rủi ro trong các quy trình kinh doanh và tuân thủ các yêu cầu về trách nhiệm giải trình; thiết lập quan hệ đối tác và tham gia chương trình hỗ trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế như ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc)… về việc kiến tạo hoạt động doanh nghiệp thân thiện với người lao động; có quy trình đo lường, thu thập số liệu và hệ thống quản lý dữ liệu bài bản, phục vụ cho quá trình đảm bảo các số liệu trong báo cáo và thẩm định các vấn đề về nhân quyền. Doanh nghiệp Việt có thể tham khảo các luật định liên quan tại Việt Nam, bao gồm: Luật Doanh nghiệp 2020 (Điều 8 về Nghĩa vụ của doanh nghiệp); Luật Lao động 2019.
“Chỉ thị CSRD có ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ các mắt xích trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp có hoạt động tại thị trường châu Âu. Doanh nghiệp Việt Nam có liên quan vì thế cần theo dõi sát sao và sớm nắm bắt các yêu cầu tuân thủ Chỉ thị CSRD để duy trì tính cạnh tranh và phát triển mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp tại châu Âu, cũng như có các kế hoạch thực hiện kịp thời. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt cân nhắc chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững hơn và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu thực hành phát triển bền vững ngày càng chặt chẽ từ các thị trường lớn như EU”, PwC khẳng định.
PwC đã có bài viết phân tích các tác động của Chỉ thị này tới doanh nghiệp Việt, mời bạn đọc xem thêm tại: https://www.pwc.com/vn/vn/insights-hub/perspective-blog/csrd-vietnam.html#:~:text=Ch%E1%BB%89%20th%E1%BB%8B%20B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20Ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20b%E1%BB%81n%20v%E1%BB%AFng%20(PTBV)%20c%E1%BB%A7a,tu%C3%A2n%20th%E1%BB%A7%20t%E1%BB%AB%20n%C4%83m%202026).
*Nguồn: Báo Công thương