Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã mở ra thời kỳ phát triển mới cho thị trường carbon trên thế giới. Điều 6 của Thỏa thuận Paris tạo cơ chế linh hoạt cho các quốc gia để đạt được Cam kết quốc gia tự quyết định (NDC) về giảm phát thải khí nhà kính. Hiểu nôm na là, Điều 6 cho phép một quốc gia có thể chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (được quy đổi thành tín chỉ carbon) cho một (hoặc một số) quốc gia khác, để giúp bên mua đạt được các mục tiêu theo NDC.
Điều 6 giúp khuyến khích dòng vốn đầu tư vào dự án giảm phát thải dựa trên sự hợp tác quốc tế. Đồng thời, nó giúp tăng cường tính minh bạch cho thị trường carbon, tránh việc tính hai lần cho một kết quả giảm phát thải.
Nếu là người đang quan tâm tới thị trường carbon, Điều 6.2 và 6.4 là đáng lưu ý nhất.
Nguồn: The Nature Conservancy 2023
Điều 6.2: Cơ chế hợp tác song phương hoặc đa phương
- [Là gi] Điều 6.2 thiết lập cơ chế chuyển giao kết quả của các dự án giảm phát thải khí nhà kính song phương (hoặc đa phương) giữa các quốc gia, được gọi là Internationally Transferred Mitigation Outcomes (ITMOs).
- [Nguyên tắc] Cơ chế này cho phép các quốc gia linh hoạt trong phê duyệt, báo cáo, thẩm định và trao đổi tín chỉ carbon theo ITMOs, nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc chung như giảm phát thải thực tế, có thể đo lường, có tính bền vững, tính bổ sung và có thể xác nhận.
- [Case study] điển hình để tham khảo về triển khai cơ chế ITMOs là thỏa thuận đa phương giữa Bên mua là Thụy Sỹ và Bên triển khai dự án giảm phát thải là Ghana và Vanuatu.
- [Việt Nam] đang được nhiều quốc gia phát triển quan tâm và mong muốn hợp tác để triển khai các dự án giảm phát thải theo cơ chế ITMOs, bởi vì Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng triển khai các dự án giảm phát thải.
- [Chính sách] Việt Nam đang hoàn thiện khung pháp lý và dự kiến các dự án sẽ trải qua 4 bước đăng ký và phát hành tín chỉ, trước khi đề xuất MONRE cấp Thư chấp thuận chuyển kết quả giảm phát thải cho đối tác nước ngoài.
- [32 loại hình dự án giảm phát thải] dự kiến sẽ được Chính phủ Việt Nam để tham gia cơ chế ITMOs.
Điều 6.4: Cơ chế tín dụng (carbon) của Thỏa thuận Paris
- [Là gi] Cơ chế được quy định tại Điều 6.4 được gọi là Paris Agreement Crediting Mechanism, nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển bền vững.
- [So sánh với Điều 6.2] Khá tương tự với cơ chế tại Điều 6.2 khi đều cho phép trao đổi kết quả giảm phát thải giữa các quốc gia để đạt được mục tiêu tại NDC hoặc các tổ chức tư nhân đạt mục tiêu giảm phát thải của mình. Điểm khác biệt đó là thay vì trao đổi song phương, Điều 6.4 quy định việc trao đổi phải thực hiện theo cơ chế tập trung và thông qua sự phê duyệt, giám sát bởi cơ quan quản lý do UNFCCC thiết lập. Cơ chế tại Điều 6.4 tương đồng với Cơ chế phát triển sạch (CDM) trước đây.
- [Hiểu một cách nôm na] Điều 6.4 thiết lập ra một cái chợ (thị trường) carbon quốc tế, mà ở đó, hàng hóa là tín chỉ carbon sẽ do cơ quan quản lý của Liên hợp quốc phê duyệt trước khi được mua – bán, trao đổi.
- [Supervisory Body] là cơ quan do UNFCCC thiết lập nhằm (i) Phát triển và phê duyệt các hướng dẫn về phương pháp tính toán giảm phát thải; (ii) Phê duyệt các hoạt động giảm phát thải; (iii) Công nhận các tổ chức có nhiệm vụ xác minh kết quả giảm phát thải.
- [Sự tăng cường] Cơ chế này giúp tạo ra một mặt bằng chung cho các hoạt động giảm phát thải trên phạm vi quốc tế. Đồng thời, giúp tăng cường đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc chung của dự án tín chỉ carbon như tính thực tế, tính minh bạch, tính bổ sung, tính bền vững và tránh việc tính hai lần cho một kết quả giảm phát thải.
- [Sự tham gia] Cơ chế tại Điều 6.4 cho phép sự tham gia của cả các thực thể công và tư, tạo điều kiện cho nhiều loại dự án được đăng ký dưới cơ chế này.
- [Việt Nam] dự kiến sẽ tham gia cơ chế tại Điều 6.4 sau khi thị trường carbon bắt buộc (ETS) của Việt Nam được vận hành chính thức (khoảng 2028).
Kết luận:
Điều 6 của Thỏa thuận Paris không những tạo ra tiền đề cho sự hợp tác quốc tế trong việc giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp “mở khóa” nguồn tài chính xanh hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển.
Việt Nam là quốc gia nhiều tiềm năng để triển khai các sáng kiến giảm phát thải khí nhà kinh. Do vậy, việc tích cực tham gia cơ chế giảm phát thải quốc tế theo Điều 6.2 và Điều 6.4 của Thỏa thuận Paris sẽ giúp Việt Nam huy động được nguồn lực quốc tế để giảm phát thải nhằm đạt được mục tiêu NDC của quốc gia và hướng tới mục tiêu Net Zero 2050.