Biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề cấp bách được toàn nhân loại quan tâm và không ngừng tìm kiếm giải pháp nhằm đẩy lùi tình trạng này. Trong đó, hiểu và đo lường được dấu chân carbon cho sản phẩm (PCF) sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giảm thiểu những tác động của sản phẩm mà doanh nghiệp của bạn đang sản xuất lên môi trường. Vậy dấu chân carbon cho sản phẩm là gì? Hãy cùng GREEN IN tìm hiểu vấn đề này thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. Dấu chân carbon cho sản phẩm (PCF) là gì?
Dấu chân carbon cho sản phẩm là định nghĩa là thước đo dùng để chỉ tổng lượng khí thải nhà kính (GHG) được tạo ra trong suốt vòng đời của một sản phẩm. - Theo COZERO
Nó có thể bao gồm khí thải thượng nguồn và hạ nguồn. Khí thải thượng nguồn đề cập đến các hoạt động như khai thác nguyên liệu thô, vận chuyển đến địa điểm sản xuất, chế biến cần thiết trước khi sản xuất hoặc khí thải từ quy trình sản xuất sản phẩm thực tế khi sản xuất được gia công bên ngoài. Mặt khác, khí thải hạ nguồn liên quan đến việc phân phối, sử dụng của người tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm.
Bằng cách định lượng lượng khí thải này, các công ty có thể xác định các nguồn phát thải chính và sử dụng dữ liệu để đưa ra hành động phát triển bền vững.
PCF đôi khi cũng được gọi là "Đánh giá vòng đời (LCA). Trong khi PCF và LCA chồng chéo lên nhau, thì LCA có cách tiếp cận rộng hơn, đánh giá nhiều tác động môi trường khác nhau, không chỉ giới hạn ở lượng khí thải nhà kính. PCF tập trung cụ thể vào lượng khí thải carbon, khiến nó trở thành một tập hợp con của LCA toàn diện hơn.
2. Thời điểm lý tưởng để doanh nghiệp cân nhắc đo lường dấu chân carbon cho sản phẩm?
Đối với các công ty trong ngành sản xuất, lượng khí thải PCF có thể chiếm một phần đáng kể trong tổng lượng khí thải của họ trên cả ba phạm vi. Nếu bạn muốn xây dựng các đánh giá chính xác về lượng khí thải carbon, việc có cái nhìn tổng quan rõ ràng về lượng khí thải liên quan đến sản phẩm là điều vô cùng cần thiết.
Ở một số trường hợp, việc tính toán PCF trở thành yêu cầu bắt buộc nhằm đáp ứng các quy định nghiêm ngặt từ chính phủ và các cơ quan quản lý. Ví dụ, tại Châu Âu, Quy định về Thiết kế Sinh thái cho Sản phẩm bền vững (ESPR) đặt ra các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng, độ bền và khả năng tái chế. Mục đích của các quy định này nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường. Quy định này yêu cầu doanh nghiệp cung cấp Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số cho một số nhóm sản phẩm, cung cấp thông tin chi tiết về tác động môi trường, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá PCF chính xác và toàn diện.
Ngoài việc đáp ứng quy định, tính toán PCF còn giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều công ty đã đặt mục tiêu đầy tham vọng, như đạt mức phát thải ròng bằng 0. PCF cung cấp một lộ trình rõ ràng để theo dõi tiến độ, đưa ra các quyết định chiến lược, đồng thời khẳng định trách nhiệm của công ty đối với các bên liên quan.
Tính bền vững ngày càng trở thành giá trị cốt lõi đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Báo cáo minh bạch về dấu chân carbon không chỉ nâng cao uy tín thương hiệu mà còn mở ra cơ hội đầu tư và phát triển kinh doanh. Các thương hiệu như Patagonia và Mammut là những ví dụ tiêu biểu, nhờ cam kết mạnh mẽ trong việc giảm thiểu lượng khí thải carbon, họ đã xây dựng được danh tiếng đáng tin cậy và tăng cường lòng trung thành từ khách hàng.
Bên cạnh đó, việc đánh giá PCF cũng giúp doanh nghiệp xác định các điểm không hiệu quả trong chuỗi cung ứng và sản xuất, từ đó tiết kiệm chi phí. Ví dụ, một công ty sản xuất có thể nhận ra rằng việc vận chuyển nguyên liệu thô từ các khoảng cách xa chính là nguồn phát thải lớn và tốn kém. Chuyển sang nhà cung cấp địa phương không chỉ giúp giảm phát thải mà còn cắt giảm chi phí, mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp.
3. Hướng dẫn cách sử dụng dấu chân carbon cho sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển bền vững
Thông qua việc tích hợp dữ liệu về dấu chân carbon cho sản phẩm vào chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp vừa có thể tuân thủ quy định, tiết kiệm tối đa chi phí, vừa nâng cao danh tiếng công ty, từ đó góp phần định vị công ty trên thị trường cạnh tranh hiện nay.
3.1. Đặt mục tiêu giảm thiểu
Sử dụng kho dữ liệu về dấu chân carbon nhằm đặt ra các mục tiêu giảm thiểu phát thải khí carbon thực tế cũng như đo lường được cho sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các mục tiêu này cần phải phù hợp với chiến lược phát triển bền vững tổng thể của doanh nghiệp và được tích hợp vào kế hoạch kinh doanh.
Điều này có thể hiểu là việc giảm lượng khí thải từ một sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm cụ thể hoặc giảm khí thải từ các vật liệu đầu vào theo một tỷ lệ nhất định vào năm 2030. Vì phần lớn lượng khí thải của nhiều doanh nghiệp đến từ các sản phẩm và nguyên vật liệu họ sử dụng, nên việc thay đổi thiết kế và thành phần sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong quá trình giảm phát thải carbon.
3.2. Tối ưu hoá chuỗi cung ứng của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp có thể tiến hành làm việc với các nhà cung cấp nhằm cải thiện tính bền vững của các loại nguyên liệu thô và quá trình vận chuyển. Doanh nghiệp cần xem xét nguồn cung ứng tại các địa phương nhằm giảm lượng khí thải vận chuyển, đồng hợp hợp tác với các nhà cung cấp để chia sẻ cam kết của bạn về tính bền vững. Bằng phương pháp này, doanh nghiệp có thể học hỏi kinh nghiệm của nhiều công ty trong việc tìm kiếm những nguyên liệu thô hay phương thức vận chuyển phù hợp nhất cho sản phẩm của mình.
3.3. Đổi mới thiết kế sản phẩm
Dữ liệu dấu chân carbon cho sản phẩm có thể là công cụ mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới sản phẩm và tính bền vững cùng lúc. Bằng cách thiết kế lại sản phẩm để tiết kiệm năng lượng hơn, sử dụng ít tài nguyên tái chế hơn và có tuổi thọ dài hơn, các doanh nghiệp có thể giảm đáng kể tác động đến môi trường.
4. Những yếu tố cần quan tâm trước khi đo lường dấu chân carbon của sản phẩm
4.1. Lựa chọn sản phẩm muốn đánh giá
Việc lựa chọn sản phẩm để đánh giá lượng khí thải carbon cần dựa trên mục tiêu phát triển bền vững, nguồn dữ liệu sẵn có và khả năng nguồn lực của doanh nghiệp. Dưới đây là một số hướng dẫn để doanh nghiệp tối ưu hóa việc đánh giá dấu chân carbon:
Ưu tiên các sản phẩm chủ lực:
- Chọn những sản phẩm đóng góp phần lớn vào doanh thu.
- Sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn nhất.
- Những sản phẩm đã có dữ liệu sẵn sàng để phân tích.
- Tận dụng dữ liệu từ Dấu chân carbon doanh nghiệp: Tập trung vào các sản phẩm gây ra lượng khí thải đáng kể nhất trong tổng số phát thải của bạn.
Phù hợp với mục tiêu kinh doanh:
- Xác định các sản phẩm phục vụ những khách hàng quan trọng nhất. Nếu khách hàng yêu cầu dữ liệu khí thải carbon để đáp ứng mục tiêu riêng, ưu tiên cung cấp thông tin này có thể tạo lợi thế cạnh tranh và củng cố mối quan hệ đối tác.
- Tập trung vào các sản phẩm có thể mang lại tác động giảm phát thải lớn nhất. Ví dụ, sản phẩm có thể được sản xuất bằng vật liệu tái chế, mua từ nguồn địa phương, hoặc làm từ nguyên liệu có cường độ carbon thấp hơn.
Đo lường và tối ưu hóa quy trình sản xuất:
Với các sản phẩm tương tự chỉ khác biệt nhỏ về thành phần hoặc quy trình, bạn có thể:
- Tính toán lượng khí thải trung bình cho cả nhóm dựa trên dữ liệu tổng thể.
- Hoặc chọn một sản phẩm đại diện, thường là sản phẩm "gây phát thải cao nhất", để xác định mức tối đa trong nhóm.
- Khi sử dụng giá trị trung bình, hãy cân nhắc trọng số dựa trên số lượng sản phẩm sản xuất.
Việc tập trung vào các sản phẩm chiến lược và ưu tiên hành động cụ thể sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu lượng khí thải mà còn đạt được các mục tiêu bền vững hiệu quả hơn.
4.2. Lựa chọn phạm vi phù hợp
Việc xác định phạm vi đánh giá dấu chân carbon là bước đầu quan trọng để đảm bảo quá trình đo lường diễn ra một cách chính xác nhất. Điều này bao gồm lựa chọn sản phẩm, đơn vị đo lường và loại khí nhà kính cần phân tích. Thông thường, các tiêu chuẩn quốc tế yêu cầu xem xét CO₂, CH₄, N₂O, SF₆, PFC và HFC. Tại một số đơn vị, kết quả phân tích sẽ được quy đổi về đơn vị "tương đương CO₂" để chuẩn hóa, giúp đơn giản hóa việc so sánh và tổng hợp tác động của các loại khí này đối với sự nóng lên toàn cầu.
4.3. Lựa chọn ranh giới phù hợp
Ranh giới đánh giá là phạm vi các giai đoạn trong vòng đời sản phẩm và các hoạt động liên quan được đưa vào tính toán. Thiết lập ranh giới hợp lý sẽ hỗ trợ việc so sánh nhất quán qua các năm. Dưới đây là các tình huống cụ thể:
Tình huống 1: Tối ưu hóa sản xuất hoặc đáp ứng yêu cầu của khách hàng
Nếu mục tiêu là giảm thiểu phát thải trong quá trình sản xuất hoặc cung cấp dữ liệu dấu chân carbon cho sản phẩm theo yêu cầu khách hàng, các doanh nghiệp nên tập trung vào tác động từ nguyên liệu thô và quy trình sản xuất.
Ranh giới từ nôi đến cổng (bao gồm khai thác nguyên liệu thô, sản xuất và đóng gói) là lựa chọn phù hợp. Đây cũng là dạng báo cáo phổ biến nhất cho doanh nghiệp để họ sử dụng trong tính toán phát thải của mình.
Tình huống 2: Giảm phát thải trong toàn bộ vòng đời sản phẩm
Nếu doanh nghiệp muốn giảm phát thải trong suốt vòng đời sản phẩm hoặc cung cấp thông tin minh bạch cho khách hàng, hãy xem xét:
- Phát thải trong giai đoạn sử dụng: Ví dụ sản phẩm như xe cộ, thiết bị tiêu tốn năng lượng hoặc quần áo yêu cầu giặt giũ. Bạn có thể cải tiến hiệu quả năng lượng, chọn vật liệu dễ bảo quản hơn hoặc hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Tác động sau vòng đời: Đánh giá các phương án tái chế, tái sử dụng hoặc thải bỏ sản phẩm. Điều này giúp lựa chọn vật liệu phù hợp và hướng dẫn khách hàng xử lý sản phẩm đúng cách.
Tình huống 3: So sánh hiệu quả khí hậu giữa các sản phẩm
Để so sánh dấu chân carbon giữa các sản phẩm, cần đảm bảo phạm vi và ranh giới được áp dụng giống nhau. Điều này có nghĩa là các sản phẩm phải có chức năng tương đương và bao gồm cùng loại hoạt động phát thải.
Phân tích toàn diện từ đầu đến cuối sẽ cung cấp cái nhìn chính xác nhất về tác động trong suốt vòng đời của các sản phẩm.
5. Lời kết
Bài viết trên đã giúp các bạn tìm hiểu về dấu chân carbon cho sản phẩm. Hy vọng những thông tin của chúng tôi sẽ giúp ích phần nào đó dành cho bạn. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo tại GREEN IN để có thêm nhiều thông tin được cập nhật mới nhất nhé!