Với những ai đã từng tìm hiểu về các chiến lược CSR thì có lẽ không còn xa lạ với khái niệm carbon footprint, còn được biết đến với tên gọi là dấu chân carbon (Tiếng Anh: Carbon Footprint). Thuật ngữ nào cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với những tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có những cam kết về môi trường. Với bài viết dưới đây, hãy cùng GREEN IN tìm hiểu về khái niệm dấu chân carbon là gì cùng những biện pháp giảm thiểu dấu chân carbon nhằm đẩy lùi tình trạng phát thải khí nhà kính đang ngày một nghiêm trọng!
1. Dấu chân carbon là gì?
Dấu chân carbon được hiểu là tổng lượng khí nhà kính phát thải trong suốt vòng đời của một dịch vụ, sản phẩm từ khâu sản xuất đến sử dụng và xử lý. Nó bao gồm chủ yếu là carbon dioxide (CO2) - loại khí thải phổ biến nhất sản sinh do hoạt động của con người, cùng với các khí khác như metan (CH4), nitơ oxit (N2O) và các hợp chất chứa flo (F). Những khí nhà kính này không chỉ gây hại cho sức khỏe con người mà còn là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Thuật ngữ “dấu chân carbon" lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1979 tại một cuộc họp của Ủy ban Năng lượng Vườn quốc gia Yosemite. Tuy nhiên, đến năm 2007, thuật ngữ này mới thực sự được phổ biến rộng rãi và sử dụng chính thức trong các báo cáo khoa học về biến đổi khí hậu do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố.
Dấu chân carbon được tạo ra do một quốc gia, tổ chức hay cá nhân tạo ra có thể xuất phát từ các nguồn phát thải trực tiếp và gián tiếp:
- Phát thải trực tiếp là các phát thải khí nhà kính (GHG) đến trực tiếp từ các nguồn thuộc quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát của một tổ chức - Theo GHG protocol (Nghị định thư Khí nhà kính)
- Phát thải gián tiếp là các phát thải khí nhà kính (GHG) phát sinh từ các hoạt động của tổ chức nhưng do các nguồn không thuộc quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát của tổ chức đó - Theo GHG protocol (Nghị định thư Khí nhà kính)
Thông thường, phần lớn lượng khí thải carbon của mỗi người đến từ các lĩnh vực như giao thông vận tải, nhu cầu liên quan đến thực phẩm.
2. Hướng dẫn cách tính toán dấu chân carbon
Nhiều yếu tố sẽ tác động đến quá trình tính toán dấu chân carbon, điển hình như phong cách sống, khu vực sinh sống, mức độ tiêu thụ năng lượng… Tuy nhiên, phương pháp được áp dụng phổ biến nhất để xác định lượng khí thải carbon chính là phụ thuộc vào mức độ tiêu thụ nhiên liệu phân chia theo đầu người. Sau đó, tổng lượng phát thải carbon cùng dấu chân carbon cá nhân sẽ được cộng tổng lại để ra kết quả cuối cùng.
Để hiểu hơn về cách tính này, các bạn có thể tham khảo ví dụ điển hình sau: Khi di chuyển một quãng đường dài 200km, một chiếc xe máy sẽ tiêu thụ khoảng 2.5 lít xăng/100km. Khi đó, quãng đường 200km sẽ sử dụng hết 5 lít xăng, mà mỗi một lít xăng sẽ sản sinh ra 2.3kg khí carbon nên quá trình di chuyển quãng đường 200km sẽ phát thải khoảng 11.5kg khí carbon.
Con số vừa tính toán được sẽ được cộng dồn với dấu chân carbon hàng năm của bạn. Tại đất nước Việt Nam, mức trung bình của dấu chân carbon đạt khoảng 1,18 tấn/người/năm.
3. Tác động nghiêm trọng của hoạt động phát thải khí nhà kính
3.1. Ảnh hưởng đến môi trường
Một trong những sự thật hiển nhiên đó là khí thải carbon càng tăng thì nhiệt độ Trái Đất cũng sẽ ngày một thay đổi, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như băng tan, mực nước biển tăng gây xói mòn bờ biển, xâm lấn đất liền và phá hủy hệ sinh thái.
Không chỉ vậy, dấu chân carbon cũng gây ảnh hưởng đến thảm thực - động vật khi các loài sinh vật không thể thích nghi kịp với sự thay đổi sẽ dẫn đến tình trạng tuyệt chủng. Ví dụ điển hình nhất như việc băng tan tại Bắc cực khiến gấu bắc cực mất đi môi trường sinh sống.
3.2. Ảnh hưởng đến đời sống con người
Không chỉ gây tác động đến môi trường mà phát thải khí nhà kính còn khiến sức khỏe của con người bị ảnh hưởng. Tại các thành phố lớn là trung tâm công nghiệp, mật độ giao thông dày đặc khiến CO2 ngày một tăng cao, trong đó còn chứa các loại bụi siêu mịn có thể xâm nhập vào phổi, từ đó dẫn đến tình trạng khó thở, thậm chí là gây nên những bệnh về đường hô hấp ở người.
4. Top 5 phương pháp cải thiện tình trạng dấu chân carbon
Dấu chân carbon hoàn toàn có thể được đẩy lùi, mang đến một môi trường sống xanh thông qua những biện pháp đơn giản sau:
4.1. Hạn chế tối đa sử dụng phương tiện cá nhân
Nguyên nhân chính khiến dấu chân carbon ngày càng gia tăng chính là việc sử dụng quá nhiều phương tiện giao thông sản sinh ra ra khí CO2. Thay vào đó, các bạn có thể thay đổi thói quen sinh hoạt bằng việc sử dụng những loại phương tiện di chuyển công cộng hoặc thân thiện với môi trường hơn như đi bộ, xe buýt, xe đạp, xe máy điện, ô tô điện… Việc sử dụng những dòng xe điện xanh đang là xu hướng được Việt Nam cũng như toàn thế giới chú trọng phát triển nhằm giảm thiểu lượng carbon thải ra từ quá trình tiêu thụ nhiên liệu.
Những quốc gia phát triển trên thế giới cũng đang đầu tư vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông công cộng với mục đích giảm thiểu tối đa lượng carbon thải ra môi trường, đồng thời nhu cầu di chuyển của người dân vẫn được đảm bảo.
Hướng tới việc sử dụng nguồn năng lượng xanh và bền vững
Phần lớn năng lượng ngày nay đến từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên, dùng để sưởi ấm và vận hành phương tiện giao thông. Tuy nhiên, những nguồn nhiên liệu này có trữ lượng hữu hạn và khi đốt cháy, chúng phát thải các chất ô nhiễm, khiến hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.
Để cải thiện vấn đề này, những nhiên liệu hóa thành đang dần được thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch thân thiện với môi trường và bền vững như điện mặt trời, năng lượng gió… Ví dụ điển hình nhất cho việc thay thế nguồn năng lượng hóa thạch thành năng lượng xanh chính là việc sản xuất và sử dụng xe máy điện, ô tô điện đang vô cùng phát triển tại thị trường Việt Nam.
4.2. Trồng cây
Trồng cây trong không gian sống tưởng chừng là một hành động vô cùng nhỏ nhặt nhưng lại có tác động to lớn đến quá trình giảm thiểu lượng khí thải carbon. Quá trình quang hợp của cây xanh khi hấp thụ khí CO2 và thải ra khí oxy không chỉ có lợi cho con người mà môi trường từ đó cũng ngày càng được cải thiện. Theo thống kê mới nhất, 24kg khí CO2 là con số mà cây xanh có thể tiêu thụ mỗi năm. Chính vì vậy, việc trồng cây xanh là giải pháp hiệu quả để cải thiện chất lượng bầu không khí và giảm thiểu tình trạng tình trạng dấu chân carbon.
4.3. Thói quen tắt thiết bị điện khi không sử dụng
Theo các nghiên cứu, mỗi năm, các thiết bị điện ở chế độ chờ trong các hộ gia đình tại Anh có thể phát thải tới 800.000 tấn CO2 - Báo cáo lượng khí thải CO2 năm 2022 của IEA
Chính vì vậy, phương pháp đơn giản nhất giúp giảm thiểu dấu chân carbon chính là xây dựng thói quen tắt nguồn hoàn toàn các thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng.
4.4. Áp dụng quy tắc 5R
“Không lãng phí” là thói quen của con người giúp đẩy lùi tình trạng biến đổi khí hậu. Với quy tắc 5R gồm 3 nguyên tắc chính là “Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế”, dấu chân carbon sẽ được giảm thiểu:
- Refuse - Từ chối: Xây dựng thói quen từ chối những sản phẩm đồ nhựa hay sản phẩm bằng giấy nhưng không thể tái chế, thay thế bằng những món đồ có khả năng tái sử dụng.
- Reduce - Giảm thiểu tiêu dùng: Bỏ qua những “nhu cầu ảo” không cần thiết, chú trọng đến những gì thực sự cần thiết.
- Reuse - Tái sử dụng: Tận dụng những món đồ trong trạng thái tốt để tái sử dụng.
- Rot - Phân hủy: Tận dụng thức ăn thừa từ các trung tâm thu mua thực phẩm dư thừa gần nhà làm phân sinh học.
- Recycle - Tái chế: Những vật dụng bằng thủy tinh, kim loại, giấy và nhựa nên được tái chế nhằm mục đích hạn chế tối đa việc sử dụng nhiều vật dụng tạo ra nhiều dấu chân carbon.
4.5. Xu hướng thời trang nhanh cần được hạn chế
Fast fashion - thời trang nhanh được hiểu là những mẫu trang phục theo đuổi những xu hướng thời trang nhất thời. Thông thường, những mẫu quần áo này sẽ tương đối rẻ và liên tục thay đổi. Quá trình sản xuất thời trang nhanh sẽ dẫn đến việc gia tăng dấu chân carbon bởi áp lực thời gian và chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, những dòng thuốc nhuộm vải rẻ tiền cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường nước. Chính vì vậy, việc hạn chế sản xuất và sử dụng thời trang nhanh là cần thiết để giảm thiểu dấu chân carbon.
5. Lời kết
Bài viết trên đã giúp các bạn tìm hiểu về dấu chân carbon. Hy vọng những thông tin của chúng tôi sẽ giúp ích phần nào đó dành cho bạn cũng như góp phần trong việc bảo vệ môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo tại GREEN IN để có thêm nhiều thông tin được cập nhật mới nhất nhé!