Blog

(COP 29) Thúc đẩy tài chính cho quá trình chuyển đổi xanh tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển

(COP 29) Thúc đẩy tài chính cho quá trình chuyển đổi xanh tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển

Ngày 11/11 vừa qua, hội nghị COP 29 đã chính thức được khai mạc tại Azerbaijan, với sự tham gia của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Sự kiện đang là tâm điểm của thế giới do những sự xoay chuyển về tình hình chính trị và kinh tế trong những năm vừa qua, đặc biệt là cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ. 

Dưới sự “xoay vần” liên tục của các thái cực trên toàn cầu, liệu các chính sách về kinh tế, chính trị sẽ có tác động như thế nào đến với các nước đang phát triển và nền kinh tế mới nổi? Điều này đã được đưa ra thảo luận và “mổ xẻ” bởi Hội thảo “Unlocking Financing for the Green Transition in Emerging and Developing Economies” (tạm dịch: Mở khóa nguồn tài chính cho Chuyển đổi xanh tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển) được chủ trì bởi bà Palita Clark - đến từ Tạp chí Financial Times với sự tham gia của các lãnh đạo từ Quỹ tiền tệ Quốc Tế, Ngân hàng đầu tư Châu Âu, Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn Masdar.

Với mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc huy động tài chính cho quá trình chuyển đổi xanh tại các quốc gia mới nổi và đang phát triển đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bài viết này sẽ phân tích các thách thức chính, các giải pháp đổi mới và vai trò của hợp tác toàn cầu trong việc đạt được các mục tiêu năng lượng bền vững.

Quy mô của thách thức chuyển đổi xanh

Như đã thấy, việc chuyển đổi sang năng lượng xanh là một vấn đề nan giải của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển thì vấn đề ngày càng trở nên khó khăn hơn dưới sức ép từ nhiều quên. Chính các quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, các nguyên nhân đó có thể bao gồm:

  • Nguồn lực trong nước hạn chế: Phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài do ngân sách trong nước eo hẹp, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế thời hậu dịch Covid - 19.

  • Hạ tầng yếu kém: Thiếu mạng lưới điện và hệ thống truyền tải đảm bảo tin cậy đáp ứng được với tình hình mới. .

  • Chi phí ban đầu cao: Các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió đòi hỏi vốn đầu tư lớn ngay từ đầu.

Nếu không có các biện pháp can thiệp, những thách thức này có thể khiến các quốc gia không tận dụng được tiềm năng tái tạo, làm chậm nỗ lực toàn cầu trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Chính vì những khó khăn từ nội địa, việc thu hút các nguồn lực “ngoại” là một phương án khả thi giúp giảm bớt gánh nặng cho các Chính phủ ở các nhóm Đang phát triển và Mới nổi. Việc hướng tới nguồn vốn FDI đang là chìa khóa trong việc mở ra các nguồn tài chính cho các dự án tái tạo. Các quốc gia thu hút được nhiều FDI thường có những điểm chung sau:

  1. Chính sách rõ ràng: Các chính sách khí hậu minh bạch và ổn định giúp giảm rủi ro đầu tư. 

  2. Ưu đãi: Cơ chế như hợp đồng mua bán điện (PPA) và ưu đãi thuế làm tăng sức hấp dẫn của các khoản đầu tư.

  3. Mở cửa thương mại: Các quốc gia với thị trường thương mại và vốn mở rộng khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân.

Việt Nam (bên cạnh Uruguay và Chile) được bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF chọn là một ví dụ điển hình thành công trong việc xây dựng khung pháp lý thu hút hàng tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Bà Kristalina Georgieva được ủng hộ tiếp tục giữ chức Tổng giám đốc IMF |  baotintuc.vn

Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF

Với việc đưa ra NGHỊ ĐỊNH 135/2024/NĐ-CP QUY ĐỊNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TỰ SẢN XUẤT, TỰ TIÊU THỤ  vừa qua cho thấy được những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hành trình hướng tới hoàn thiện và minh bạch chính sách, khuyến khích “xanh hóa” nguồn năng lượng trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Tiềm năng tái tạo tại Châu Phi

Là một châu lục có nguồn nắng, gió dồi dào, cùng diện tích đất trống lớn, Châu Phi sở hữu tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và gió, nhưng vẫn chưa được phát triển mạnh mẽ:

  • Thực trạng hiện tại: Khu vực hạ Sahara có nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào nhưng lại đứng sau các quốc gia nhỏ như Bỉ về công suất lắp đặt năng lượng mặt trời.

  • Tác động kinh tế: Đầu tư 25 tỷ USD hàng năm có thể tăng trưởng GDP thêm 0,8% và sản lượng điện tăng 18% trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần giải quyết các hạn chế về cấu trúc như tiếp cận đất đai, khoảng cách tài chính và cải cách quản lý.

Những đổi mới trong tài chính khí hậu

Các sáng kiến toàn cầu đang tập trung vào việc lấp đầy khoảng cách tài chính xanh:

  1. Ngân hàng Phát triển Đa phương (MDBs): MDBs cam kết tăng tài chính khí hậu từ 75 tỷ USD năm 2023 lên 120 tỷ USD vào năm 2030.

  2. Công cụ giảm rủi ro: Các nền tảng bảo lãnh và quỹ đầu tư rủi ro giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư tư nhân.

  3. Đầu tư cơ sở hạ tầng: Xây dựng hạ tầng công cộng cơ bản như lưới điện là yếu tố then chốt cho thành công lâu dài.

Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đã triển khai các sáng kiến hợp tác để đơn giản hóa quy trình tài trợ và tăng cường hướng dẫn chính sách cho các quốc gia nhận viện trợ.

Con đường phía trước cho thúc đẩy chuyển đổi xanh

Với tầm nhìn lâu dài để giải quyết các khoảng cách tài chính xanh và đẩy nhanh mục tiêu Net Zero thì các quốc gia đang phát triển và nền kinh tế mới nổi cần có hành động phối hợp trên các lĩnh vực:

  • Hợp tác quốc tế: Các quốc gia phát triển phải thực hiện cam kết 100 tỷ USD tài chính khí hậu hàng năm và tăng cường hợp tác với các nền kinh tế đang phát triển.

  • Lãnh đạo và quản lý: Các quốc gia như Uzbekistan và Côte d'Ivoire cho thấy vai trò quan trọng của lãnh đạo và chính sách hợp lý trong việc thu hút đầu tư xanh.

  • Sự tham gia của khu vực tư nhân: Tạo môi trường đầu tư ổn định thông qua các cải cách pháp lý sẽ khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân.

Kết luận

Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không chỉ là một nhu cầu môi trường mà còn là một cơ hội kinh tế. Thông qua hợp tác, cải thiện khung chính sách và huy động nguồn lực, thế giới có thể đẩy nhanh sự thay đổi hướng tới một tương lai bền vững. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có vai trò then chốt trong hành trình này, với điều kiện nhận được sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cần thiết.


 

← Bài trước Bài sau →