Giá carbon – hiểu nôm na là chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra khi phát thải khí nhà kính. Nó đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Hiện các công ty tại hơn 40 quốc gia đang phải gánh chịu chi phí này, thông qua các cơ chế như Thuế carbon và Hệ thống giới hạn và giao dịch phát thải (ETS). Một vài quốc gia trong số đó đang có kế hoạch tăng mức giá carbon lên. Trong khi đó, 35 quốc gia khác đang xem xét để bắt đầu triển khai định giá carbon (trong đó có Việt Nam). Đây là vấn đề mà bất cứ nhà lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng cần phải biết và có kế hoạch thích ứng trong tương lai.
Bộ phận nghiên cứu của PwC đã chỉ ra tỷ lệ (%) gia tăng chi phí sản xuất sắt thép tại 05 quốc gia trong các kịch bản. Kịch bản đầu tiên mô phỏng thời điểm năm 2026 khi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được triển khai toàn diện tại EU. Và kịch bản thứ hai mô phỏng theo giả định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đối với kịch bản Net Zero.
Kết quả cho thấy, chi phí sản xuất sắt thép sẽ tăng từ 2 – 3% trong kịch bản 1 và từ 7 -15% đối với kịch bản 2. Với việc chi phí sản xuất tăng lên, chắc chắn giá bán đầu ra cũng sẽ tăng theo tỷ lệ tương ứng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
Bên cạnh đó, xu hướng này không chỉ diễn ra trong ngành thép, mà nó sẽ diễn ra trong phạm vi rộng lớn của nền kinh tế, ở tất cả những ngành, lĩnh vực gây phát thải khí nhà kính lớn.
Tại Việt Nam, Hệ thống ETS dự kiến sẽ bắt đầu triển khai thi điểm từ 2025 (hoặc 2026) với 03 ngành đầu tiên là Sắt thép, Xi măng và Nhiệt điện. Sau đó, từ 2028 trở đi có thể sẽ mở rộng phạm vi tới 21 tiểu ngành thuộc 05 ngành lớn được liệt kê tại Quyết định 13/2024/QĐ-TTg, gồm: Năng lượng, Giao thông vận tải, Xây dựng, Các quá trình công nghiệp và Nông nghiệp, lâm nghiệp & Sử dụng đất.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí và giá thành tăng lên vài % sẽ là vấn đề lớn mà chủ doanh nghiệp cần phải thích ứng và giải quyết khéo léo. Do đó, giá carbon sẽ đặt ra bài toán mới cho lãnh đạo doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực nêu trên phải sớm dự đoán và chuẩn bị kịch bản thích ứng trong tương lai.
Đây cũng là lý do mà hiện nay, trong quá trình thẩm định, nhiều ngân hàng, quỹ đầu tư đặt câu hỏi cho công ty về khả năng dự báo tác động và phương án giảm thiểu rủi ro đối với chi phí giá carbon. Vậy, trước những câu hỏi này, chủ doanh nghiệp nên chuẩn bị điều gì:
- Khám tổng quát hiện trạng phát thải khí nhà kính: Lãnh đạo cần chủ động chỉ đạo bộ phận liên quan tiến hành kiểm kê khí nhà kính để xác định hiện trạng phát thải của công ty. Dữ liệu khí nhà kính của các nguồn phát thải là thông tin quan trọng để chủ doanh nghiệp đánh giá những rủi ro và tác động tới hoạt động kinh doanh của giá carbon đối với công ty trong tương tai.
- Hiểu rõ về quy định liên quan tới thị trường carbon: Vì là vấn đề mới mẻ nên việc tiếp cận các thông tin chính xác và hiểu đúng bản chất là đặc biệt quan trọng. Ban lãnh đạo và các bộ phận liên quan cần rà soát và hiểu rõ về lộ trình triển khai thị trường carbon trong nước và quốc tế để xác định lộ trình thích ứng phù hợp.
- Xây dựng kế hoạch thích ứng cho doanh nghiệp: Để “giảm sốc” cho tình huống giá carbon tác động mạnh tới chi phí sản xuất, công ty cần sớm lập kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty cũng có thể chủ động triển khai Cơ chế định giá carbon nội bộ để làm quen dần với việc định giá carbon và giúp nhìn rõ hơn tác động của giá carbon tới lợi thế cạnh tranh của hàng hóa do công ty sản xuất.
- Sớm truyền đạt tới các đối tác trong chuỗi giá trị: Việc giảm phát thải sẽ cần sự hợp tác trong toàn bộ chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần sớm trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác để cùng giảm phát thải với các đối tác, nhà cung ứng của mình.
Giá carbon sẽ không chỉ tác động tiêu cực tới doanh nghiệp. Những doanh nghiệp chủ động và sớm bước đi trên hành trình chuyển đổi xanh sẽ có thể đạt lợi ích kép, vừa chủ động trong việc kiểm soát chi phí, vừa có thể gia tăng lợi thế cạnh tranh của những hàng hóa phát thải thấp, qua đó khai phá những thị trường mới.