Blog

Chuyển dịch năng lượng: Xu hướng định hình tương lai xanh

Chuyển dịch năng lượng: Xu hướng định hình tương lai xanh

Các hoạt động, chính sách bảo vệ môi trường luôn là vấn đề được toàn thế giới quan tâm, nhất là khi tình trạng ô nhiễm ngày một gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của nhân loại. Khi đó, chuyển dịch năng lượng được coi là giải pháp tối ưu nhất hiện nay. Đây cũng là hoạt động được nhiều cá nhân, tổ chức và quốc gia quan tâm. Vậy chuyển dịch năng lượng là gì? Hãy cùng GREEN IN tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

1. Chuyển dịch năng lượng là gì?

Chuyển dịch năng lượng là sự chuyển dịch từ việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng tái tạo trong ngành điện và từ việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện trong các lĩnh vực kinh tế khác.

Chuyển dịch năng lượng là quá trình thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên bằng các nguồn năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường hơn. Điều này bao gồm việc sử dụng năng lượng từ mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối, địa nhiệt và nhiều giải pháp năng lượng sạch khác.

Bên cạnh việc thay đổi nguồn cung cấp năng lượng thì những hoạt động, chính sách cải tiến công nghệ, cơ sở hạ tầng hay thói quen sử dụng năng lượng cũng thuộc phạm trù chuyển dịch năng lượng. Sản xuất bền vững đang trở thành xu hướng quan trọng trên toàn cầu, với mục tiêu phát triển các sản phẩm "xanh" thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Điều này xuất phát từ các mục tiêu khí hậu được thỏa thuận tại hai hội nghị COP (Conference of the Parties) - Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). 

Tại COP21, các quốc gia đã cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2°C, với mục tiêu lý tưởng là 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đến COP 26, gần 200 quốc gia thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, nhấn mạnh việc giảm mạnh và bền vững lượng phát thải CO2, với kế hoạch cắt giảm 45% vào năm 2030 so với mức năm 2010 và đạt mức 0 vào giữa thế kỷ này. 

Năng lượng hiện là ngành phát thải lớn nhất, chiếm hơn 73% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Vì vậy, việc giảm phát thải từ ngành năng lượng, đặc biệt là điện và giao thông vận tải, đã trở thành trọng tâm trong các chính sách giảm phát thải của nhiều quốc gia.

chuyển dịch năng lượng là gì

2. 4 yếu tố cốt lõi của quá trình chuyển dịch năng lượng

  • Công nghệ: Yếu tố đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển dịch năng lượng chính là công nghệ, cho dù bạn có thay đổi từ động cơ dùng dầu sang động cơ dùng điện, ngựa sang ô tô, thay thế nhiệt điện than sang điện mặt trời thì mọi quá trình vẫn cần đến sự hiện diện của công nghệ. Có thể nói, quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ phụ thuộc vào tính phổ biến và có sẵn của công nghệ. 
  • Nền kinh tế cạnh tranh: Quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ rất khó có thể thực hiện nếu thiếu đi sự cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt nếu đó là sự chuyển dịch năng lượng trên phạm vi quốc gia hay vùng lãnh thổ. 
  • Mở cửa thị trường: Công nghệ sẽ không thể được hội nhập và phát triển nếu thị trường không mở cửa. Việc mở cửa thị trường giúp bảo đảm rằng các dạng năng lượng mới sẽ phát triển mạnh mẽ và ngày càng hiệu quả hơn.
  • Chính sách hỗ trợ: Nếu thiếu các chính sách hỗ trợ thì quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ không thể xúc tiến.Vì vậy, vai trò của chính phủ là rất quan trọng trong việc kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy đầu tư phát triển trên quy mô rộng.

3. Chuyển dịch năng lượng - Con đường tất yếu giúp định hình tương lai xanh tại Việt Nam

Tại COP26, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là quyết định sớm hơn nhiều quốc gia phát triển. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng. Quốc gia tập trung vào mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo và nghiên cứu công nghệ mới. Những chính sách này không chỉ góp phần vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu mà còn đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Đồng thời, điều này sẽ giúp thúc đẩy đổi mới kinh tế và tạo việc làm xanh.

Ngành năng lượng hiện là nguồn phát thải lớn nhất ở Việt Nam khi tỷ lệ chiếm đến 66,3% tổng lượng khí thải vào năm 2020, 347,5 triệu tấn CO2 tương đương. Do đó, việc chuyển đổi xanh cần ưu tiên thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng. 

chuyển dịch năng lượng tại việt nam

Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, cùng Kế hoạch hành động quốc gia đã xác định hướng đi rõ ràng cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Các biện pháp bao gồm nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm tiêu hao trong các hoạt động sản xuất và vận tải, đảm bảo an ninh năng lượng với sự phát triển đồng bộ các nguồn, cũng như đẩy mạnh khai thác các nguồn tái tạo để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đây là một định hướng toàn diện nhằm giảm phát thải và hiện đại hóa ngành năng lượng.

Đặc biệt, Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, đặt mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh và hệ thống quản trị tiên tiến, phù hợp xu hướng phát triển xanh.

Trong năm 2023, Việt Nam cũng đã công bố Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, nhấn mạnh ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Theo quy hoạch, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện sẽ đạt từ 30,9% đến 39,2% vào năm 2030. Nếu có sự hỗ trợ quốc tế theo Tuyên bố JETP, tỷ lệ này có thể tăng lên đến 47%. Định hướng đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 67,5% - 71,5%, hướng đến một nền kinh tế xanh và bền vững.

4. Những thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam

Mặc dù ngành năng lượng của Việt Nam đã có những thành tựu đáng ghi nhận trong những năm qua; tuy nhiên Nghị quyết số 55-NQ/TW cũng thẳng thắn đánh giá là ngành năng lượng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Qua nghiên cứu cho thấy, phát triển của ngành năng lượng Việt Nam gặp phải một số thách thức lớn, đó là: 

  • An ninh cung ứng điện: Thiếu nguồn cung nội địa; một số nhà máy điện có quy mô lớn chậm tiến độ hoàn thành nên hệ thống điện quốc gia gặp nhiều khó khăn khi đáp ứng nhu cầu điện tăng cao; sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu trong tương lai, nhất là than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
  • Tính hợp lý về giá cả và khả năng cạnh tranh: Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, chính sách giá năng lượng còn bất cập và chưa hoàn toàn phù hợp với các cơ chế thị trường.
  • Các thách thức về môi trường: Suy thoái môi trường ảnh hưởng đến các điều kiện sống, trước hết là ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Nhìn chung, vấn đề môi trường còn chưa được quan tâm đúng mức; phát triển kinh tế nhanh được ưu tiên hơn so với phát triển bền vững.
  • Tính bền vững: Phát triển kinh tế ở Việt Nam còn thâm dụng nhiều năng lượng và hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam còn thấp và vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường cho các dự án trong ngành năng lượng còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động trong một số lĩnh vực vẫn còn thấp.

pin mặt trời

 

5. Lời kết

Bài viết trên đã giúp các bạn tìm hiểu về vấn đề chuyển dịch năng lượng. Hy vọng những thông tin của chúng tôi sẽ giúp ích phần nào đó dành cho bạn. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo tại GREEN IN để có thêm nhiều thông tin được cập nhật mới nhất nhé!

Nguồn tham khảo: Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam - Cơ hội và Thách thức (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội)
 

← Bài trước Bài sau →