Blog

Các tiêu chuẩn ESG doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm

Các tiêu chuẩn ESG doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm

Xu hướng tăng cường trách nhiệm công bố thông tin liên quan tới phát triển bền vững đang diễn ra trên toàn thế giới. Với đặc thù là một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, tác động của các chính sách đó là hiện hữu và gần như chắc chắn sẽ phả hơi nóng lên doanh nghiệp Việt Nam – vốn cũng đang chịu khá nhiều áp lực. Vì vậy, thực hành và báo cáo ESG theo tiêu chuẩn quốc tế là cần thiết khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Chúng ta có cần thiết kế lại chiếc bánh xe hay không? 

Mặc dù pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định như báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính (tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP) hay công bố thông tin về các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững trong Báo cáo thường niên hàng năm của các doanh nghiệp niêm yết (tại Thông tư 96/2020/TT-BTC), nhưng có lẽ chừng ấy là chưa đủ để doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế. Bởi lẽ, nếu đối chiếu với quy định của EU hay một số quốc gia khác thì dễ dàng nhận thấy một khoảng cách khá lớn. 

Chúng ta đang nỗ lực để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nên doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chơi luật chơi chung của quốc tế. Do vậy việc khỏa lấp khoảng trống nêu trên là cần thiết và cần làm càng sớm càng tốt. Vì trong giai đoạn từ 2025 tới 2028 là khoảng thời gian chính sách mới của các quốc gia tại khu vực EU, Bắc Mỹ và APAC sẽ có hiệu lực. 

Tại các sự kiện liên quan tới chủ đề ESG, có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần sớm ban hành một tiêu chuẩn chung về Báo cáo ESG để doanh nghiệp tuân thủ. Trước những ý kiến này, một câu hỏi cần đặt ra đó là “Liệu chúng ta có cần phải thiết kế lại bánh xe hay không?”. Trong khi quốc tế đã có nhiều tiêu chuẩn và khung báo cáo ESG khá toàn diện và liên tục được cập nhật, bổ sung. Vậy có chăng Việt Nam nên làm theo cách mà nhiều quốc gia khu vực APAC như Australia, Singapore, Malaysia,….. đang làm. Đó là dẫn chiếu áp dụng tới các tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận rộng rãi để doanh nghiệp Việt Nam áp dụng và nếu cần thiết thì có thể điều chỉnh, bổ sung một chút để phù hợp với bối cảnh Việt Nam.  

Doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm tới tiêu chuẩn ESG nào? 

Nhiều người chắc chắn sẽ bị bối rối khi lần đầu tìm hiểu về các tiêu chuẩn liên quan tới ESG. Nếu nhìn vào “bức tranh” tổng thể về sự phát triển của các tiêu chuẩn đó trong vòng gần 30 năm trở lại đây, sẽ không ngoa khi ví nó như  “alphabet soup” (tạm dịch nồi súp các chữ cái). Ghi nhớ biểu tượng và tên gọi của từng tiêu chuẩn đã là một thử thách, chứ chưa nói tới việc hiểu được nội dung của các tiêu chuẩn đó có gì. 

Nguồn: IFC Report 2023 

Tuy nhiên, ở giai đoạn sơ khởi như bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, việc áp dụng, đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn là không cần thiết, mà doanh nghiệp chỉ nên tập trung nắm bắt và áp dụng những tiêu chuẩn toàn diện và được công nhận rộng rãi nhất. Dựa trên 02 phương pháp tiếp cận trong vấn đề ESG phổ biến hiện nay, những tiêu chuẩn dưới đây là đáng lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam. 

  • Thứ nhất, Tiêu chuẩn GRI do Hội đồng tiêu chuẩn bền vững toàn cầu (GSSB) ban hành, với phương pháp tiếp cận “tính trọng yếu tác động” (impact materiality) 

Đây là tiêu chuẩn ESG phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Theo thống kê, có tới 68% của 6.800 công ty lớn nhất trên thế giới đã áp dụng tiêu chuẩn GRI. Tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp lập báo cáo ESG là không nhiều và nhưng hầu hết trong số đó áp dụng theo tiêu chuẩn GRI. 

Tiêu chuẩn GRI sẽ giúp phản ánh những tác động từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tới môi trường và xã hội. Góc nhìn này thường đáp ứng được mối quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, người lao động, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội. 

Ưu điểm của tiêu chuẩn này là có cấu trúc rõ ràng với 03 tiêu chuẩn tổng quát, các tiêu chuẩn của ngành đang được bổ sung cùng với nhiều tiêu chuẩn chủ đề theo 03 khía cạnh E,S và G. Tiêu chuẩn này cũng phù hợp với tất cả doanh nghiệp ở các mức độ. 

  • Thứ hai, Tiêu chuẩn bền vững IFRS do Hội đồng Tiêu chuẩn bền vững quốc tế (ISSB), với phương pháp tiếp cận “tính trọng yếu tài chính” 

Như là một kết quả tiêu biểu của Hội nghị COP 26, Tiêu chuẩn IFRS được hình thành dựa trên sự hợp nhất của nhiều tiêu chuẩn và sáng kiến ESG có cùng phương pháp tiếp cận gồm: Climate Disclosure Standards Board (CDSB) của CDP; Integrated Reporting Framework (IR) và Tiêu chuẩn SASB của Value Reporting Foundation và Tiêu chuẩn TCFD. 

Là góc nhìn phản ánh những ảnh hưởng từ các yếu tố ESG tới tình hình tài chính và khả năng tiếp cận tài chính của công ty. Tiêu chuẩn bền vững IFRS có mục đích đáp ứng nhu cầu trong việc ra quyết định của các quỹ đầu tư, các định chế tài chính. 

IFRS có 02 tiêu chuẩn chính là IFRS S1 – Yêu cầu chung về công bố thông tin tài chính liên quan tới bền vững và IFRS S2 – Công bố thông tin liên quan tới khí hậu. Bên cạnh đó, IFRS cũng tích hợp 77 tiêu chuẩn theo ngành (trước kia là Tiêu chuẩn SASB) giúp các doanh nghiệp dễ dàng báo cáo những vấn đề trọng yếu của ngành, đồng thời giúp “độc giả” có thể dễ dàng so sánh, đối chiếu về thực hành ESG giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành đó. 

Nhiều quốc gia tại khu vực APAC đang áp dụng toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn IFRS trong chính sách về công bố thông tin liên quan tới ESG, điển hình như tại Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc,… 

  • Thứ ba, Tiêu chuẩn báo cáo bền vững của EU (ESRS), với phương pháp tiếp cận “tính trọng yếu kép” 

Với mục tiêu Trung hòa khí hậu đầy tham vọng và luôn tiên phong trong các vấn đề phát triển bền vững, Liên minh Châu Âu đã tích hợp cả hai phương pháp tiếp cận nêu trên vào trong ESRS. Các doanh nghiệp thuộc phạm vị điều chỉnh không những phải công bố về các tác động do hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty tới môi trường và xã hội, mà còn phải công bố về những rủi ro và cơ hội của ESG ảnh hưởng tới tình hình tài chính và hoạt động của công ty. 

Trước khi ESRS được ban hành, đã có rất nhiều công ty lớn trên thế giới đã làm một báo cáo ESG mà đáp ứng được cả 02 phương pháp tiếp cận nêu trên. Bởi lẽ, nhu cầu thông tin của các bên liên quan đối với công ty là đa dạng và khác nhau. Do vậy, đây là cách làm sáng tạo mà doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi để “một mũi tên trúng nhiều đích”.  

Tags: ESG
← Bài trước Bài sau →