Phát triển bền vững đã trở thành xu hướng nổi bật trên toàn cầu trước sự gia tăng các chính sách từ các quốc gia, yêu cầu từ các nhãn hàng và nỗ lực tiên phong hành động của nhiều tổ chức và doanh nghiệp. Việc công bố báo cáo phát triển bền vững được coi là trách nhiệm của các doanh nghiệp nhằm thể hiện sự minh bạch về hoạt động hướng tới bền vững của họ. Từ những số liệu công khai đó, doanh nghiệp có thể xây dựng niềm tin với các đối tác, khách hàng. Hãy cùng GREEN IN tìm hiểu về cách xây dựng báo cáo phát triển bền vững qua bài viết dưới đây nhé!
1. Báo cáo phát triển bền vững là gì?
“Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại khả năng của các thế hệ tương lai.” - Theo Liên Hợp Quốc trong Báo cáo Brundtland năm 1987
Báo cáo phát triển bền vững được coi là một bản thông tin công khai của doanh nghiệp về các tác động cũng như mong muốn của họ liên quan tới các khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị (ESG), cùng với đó là những số liệu chứng minh tiến độ thực hiện những mục tiêu này. Bên cạnh việc thể hiện cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp, báo cáo này còn chủ động đánh giá hiệu quả của các chiến lược và hành động đã triển khai để đạt được các mục tiêu đề ra.
Có thể nói, báo cáo phát triển bền vững là thang đo, là phương tiện công khai và thể hiện trách nhiệm trước các bên liên quan về các hoạt động của tổ chức, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua việc minh bạch báo cáo và thể hiện trách nhiệm của mình, các tổ chức không chỉ củng cố niềm tin từ các bên liên quan mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn cầu một cách bền vững.
2. Tác dụng của báo cáo phát triển bền vững
- Tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng trong chuỗi cung ứng xanh: Thực hành và báo cáo ESG đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp có thêm lợi thế cạnh tranh vượt trội trong việc thu hút khách hàng từ EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…
- Tăng vường uy tín, danh tiếng, thu hút đầu tư: Thực hành ESG tốt giúp doanh nghiệp cải thiện uy tín, danh tiếng của công ty, đồng thời thu hút thêm nguồn đầu tư từ các định chế tài chính quốc tế.
- Tuân thủ quy định pháp luật: Thực hành và báo cáo ESG tốt góp phần tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và giúp đối tác/khách hàng tuân thủ pháp luật quốc tế.
- Củng cố chiến lược kinh doanh, thu hút nhân tài: Lồng ghép chiến lược ESG vào chiến lược kinh doanh giúp đảm bảo phù hợp xu hướng mới của thế giới. Đồng thời góp phần thu hút và giữ chân nhân tài.
- Tiết kiệm chi phí, cải thiện biên lợi nhuận: Thực hành tốt các sáng kiến ESG giúp tiết kiệm chi phí vận hành, cải thiện biên lợi nhuận trong dài hạn.
- Giảm thiểu rủi ro: Thực hành và báo cáo ESG tốt giúp giảm thiểu cả rủi ro tài chính và phi tài chính cho doanh nghiệp.
3. Thực trạng báo cáo phát triển bền vững tại Việt Nam
Vào ngày 11/1/2013, cuốn sách “Hướng dẫn lập Báo cáo Phát triển bền vững” đã được ra mắt tại TPHCM do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) kết hợp Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) biên soạn, mục đích nhằm cung cấp quy trình và tiêu chí cơ bản giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng xây dựng báo cáo phát triển bền vững của riêng mình. Cuốn sổ tay này hỗ trợ doanh nghiệp nắm rõ cách đo lường, quản lý và công bố các tác động môi trường và xã hội.
Năm 2023, Vinamilk công bố Báo cáo Phát triển bền vững lần thứ 12 với chủ đề “Để tâm thay đổi – Net Zero 2050”. Báo cáo này tập trung vào lộ trình đạt mục tiêu Net Zero, bao gồm kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064 và đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014 tại nhiều đơn vị.
Cùng thời gian, ngày 27/10/2023, ACB phát hành Báo cáo Phát triển bền vững 2022. Đây là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tiến hành công bố báo cáo riêng với chủ đề về phát triển bền vững theo tiêu chuẩn của GSSB và tham chiếu các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
Hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc công bố báo cáo phát triển bền vững một cách công khai và minh bạch. Xu hướng này không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp mà còn được kỳ vọng sẽ trở thành một tiêu chuẩn thiết yếu trong tương lai.
4. Khung khổ báo cáo phát triển bền vững
Hiện nay, các doanh nghiệp có thể áp dụng một số khung khổ thực hiện báo cáo phát triển bền vững trên tinh thần tự nguyện. Tuỳ thuộc vào các mục tiêu phát triển bền vững mà doanh nghiệp xác định cũng như các đối tượng sử dụng nguồn thông tin được hướng tới mà việc áp dụng khung khổ sẽ có sự thay đổi. Một số khung khổ phổ biến phải kể đến như:
- Uỷ ban Chuẩn mực kế toán về phát triển bền vững (SASB) ban hành khung khổ hướng dẫn chi tiết cho từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Những yêu cầu này được sử dụng nhằm giúp doanh nghiệp có thể xác định yếu tố trọng - yếu trong lĩnh vực tài chính của các thông tin về phát triển bền vững, từ đó có thể công bố minh bạc cho các cơ quan quản lý hay công chúng.
- Hiệp ước Toàn cầu Liên Hợp Quốc (UNGC): Đây là một khung khổ được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp toàn cầu có thể áp dụng các chính sách phát triển bền vững, đồng thời có trách nhiệm với xã hội và công khai kết quả thực hiện. UNGC đề ra 10 nguyên tắc quan trọng trong bốn lĩnh vực: quyền con người, lao động, môi trường và chống tham nhũng.
- Nhóm công tác về Công bố Thông tin Tài chính liên quan đến Khí hậu (TCFD): Đây là khung khổ cung cấp các khuyến nghị về việc công bố thông tin tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu, phù hợp cho các tổ chức thuộc mọi ngành và khu vực. Các tổ chức có thể dựa vào các khuyến nghị của TCFD để xây dựng báo cáo nhất quán và dễ so sánh, giúp tăng cường minh bạch về rủi ro và tác động của khí hậu đối với tài chính.
Có thể thấy, điểm chung của các khung khổ này chính là chúng đều tập trung vào tính trọng yếu của một vấn đề. Khi xây dựng báo cáo phát triển bền vững, các tiêu chí đánh giá cần gắn liền với tính trọng yếu về mặt tài chính để có được sự phù hợp với những yêu cầu sử dụng của nhà đầu tư và những bên có liên quan khác.
5. Lời kết
Bài viết trên đã giúp các bạn tìm hiểu về báo cáo phát triển bền vững. Hy vọng những thông tin của chúng tôi sẽ giúp ích phần nào đó dành cho bạn cũng như giúp ích trong quá trình bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo tại GREEN IN để có thêm nhiều thông tin được cập nhật mới nhất nhé!