Quyết định 13/2024/QĐ-TTg về danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính như hồi chuông báo động cho các cơ sở có mức phát thải từ 3000 tấn CO2 tương đương hàng năm trở lên cần khẩn trương có lộ trình đánh giá hiện trạng và lộ trình giảm phát thải. Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển mình để vươn lên tầm cao mới. Vậy báo cáo kiểm kê khí nhà kính là gì và làm thế nào để thực hiện? Cùng GREEN IN đi tìm câu trả lời ngay trong nội dung dưới đây!
1. Báo cáo kiểm kê khí nhà kính là gì?
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Kiểm kê khí nhà kính (KNK) là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.”
Báo cáo kiểm kê khí nhà kính là một “bản thông tin” chi tiết, ghi lại toàn bộ lượng khí thải nhà kính mà một tổ chức phát thải ra trong một năm. Báo cáo này thường tập trung vào các khí gây hiệu ứng nhà kính chính như carbon dioxide (CO2), methane (CH4), nitrous oxide (N2O) và các hợp chất fluor hóa sau đó được quy đổi ra tấn CO2 tương đương.
Kể từ năm 2022, Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã quy định rõ ràng về nghĩa vụ báo cáo kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp phải gửi báo cáo kiểm kê lên UBND cấp Tỉnh trước ngày 31/03/2025..
2. Thực trạng kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam
Thực hiện theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Việt Nam đã bắt đầu quá trình kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực từ năm 1994. Mục tiêu của việc này là để đánh giá tổng thể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát sinh từ các hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực để xây dựng các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu.
Kể từ năm 2000, Việt Nam đã thực hiện 5 kỳ kiểm kê khí nhà kính. Kết quả cho thấy lượng khí thải nhà kính của nước ta liên tục tăng qua các năm, chủ yếu do sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, lượng khí thải nhà kính của Việt Nam đã tăng từ 150,9 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2000 lên 316,7 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2016, cho thấy tốc độ tăng trưởng đáng kể.
3. Doanh nghiệp nào cần lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính?
Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, các cơ sở có mức phát thải từ 3000 tấn CO2 tương đương trở lên hàng năm thuộc 05 lĩnh vực gồm năng lượng; giao thông vận tải; các quá trình công nghiệp; xây dựng và nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất sẽ thuộc danh mục kiểm kê khí nhà kính theo các quy định.
Mục đích cuối cùng của việc kiểm kê khí nhà kính là giúp các doanh nghiệp có cái nhìn rõ hơn về lượng khí thải tạo ra, từ đó tìm ra các giải pháp giảm thiểu hiệu quả. Qua đó, các doanh nghiệp không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn nâng cao trách nhiệm xã hội.
Tại điều 5 Nghị định 06 nhấn mạnh không chỉ các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo danh mục, mà cả các tổ chức khác cũng được khuyến khích thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính dựa trên điều kiện của cơ sở. Tự nguyện tham gia kiểm kê không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp như nâng cao hình ảnh, giảm chi phí sản xuất và tạo ra lợi thế cạnh tranh mới.
4. Cấu trúc báo cáo kiểm kê khí nhà kính
Theo quy định tại Phụ lục II của Nghị định 06/2022/NĐ-CP, cấu trúc của báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được chia thành 3 phần chính:
Chương đầu tiên của báo cáo cung cấp những thông tin cơ bản để xác định rõ đối tượng được kiểm kê, bao gồm tên, địa chỉ, hoạt động sản xuất kinh doanh và các thông tin pháp lý liên quan.
Chương thứ hai đi sâu vào phân tích các hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở, xác định các nguồn phát thải chính và các yếu tố ảnh hưởng đến lượng khí thải. Đây là phần cốt lõi của báo cáo, cung cấp cơ sở dữ liệu để tính toán lượng khí thải.
Chương cuối cùng trình bày kết quả kiểm kê, bao gồm các số liệu về lượng khí thải, các phương pháp tính toán đã sử dụng và đánh giá độ tin cậy của kết quả. Đây là phần tổng kết quan trọng, cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình phát thải khí nhà kính của cơ sở.
5. Hướng dẫn xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính
Với mục tiêu chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng và hoàn thiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính.
5.1. Các giai đoạn xây dựng báo cáo
Quá trình xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính bao gồm 4 giai đoạn chính: Xác định phạm vi và ranh giới kiểm kê, khảo sát thực địa, thu thập dữ liệu, tính toán và xây dựng báo cáo.
Tại Việt Nam việc tính toán kết quả kiểm kê khí nhà kính cần dựa trên hệ số phát thải được công bố tại Quyết định 2626/QĐ-BTNMT ngày 10/10/2022 và Văn bản 327/BĐKH-PTCBT ngày 19/3/2024 về hệ số phát thải lưới điện Việt Nam. Đối với các hệ số phát thải không được quy định trong văn bản pháp luật của Việt Nam thì có thể sử dụng tham chiếu theo IPCC.
Xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ và tuân thủ các quy định hiện hành.
Giai đoạn | Nội dung công việc chính |
1. Xác định phạm vi và ranh giới kiểm kê | - Nhận dạng các phạm vi phát thải: trực tiếp và gián tiếp - Xác định ranh giới tổ chức và phạm vi hoạt động của cơ sở phục vụ cho hoạt động kiểm kê khí nhà kính |
2. Khảo sát thực địa | - Nhận diện và xác định các nguồn phát thải của cơ sở - Thu thập các dữ liệu liên quan |
3. Thu thập dữ liệu | - Xây dựng biểu mẫu thu thập dữ liệu liên quan cho các nguồn phát thải - Tiến hành thu thập, rà soát, đối chiếu, so sánh, kiểm tra đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của pháp luật và các hướng dẫn quốc tế. |
4. Tính toán và xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính | - Sử dụng dữ liệu thu thập được để tính toán lượng khí thải, so sánh với các tiêu chuẩn và xây dựng báo cáo theo yêu cầu. - Lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu |
5.2. Phương pháp tính lượng phát thải khí nhà kính
Để tính toán lượng khí nhà kính phát thải, ta sử dụng công thức:
Lượng khí nhà kính phát thải = Hệ số phát thải x Dữ liệu hoạt động
Trong đó:
- Hệ số phát thải: Đây là một chỉ số thể hiện lượng khí nhà kính phát thải trung bình khi sử dụng một đơn vị năng lượng hoặc thực hiện một hoạt động nhất định. Ví dụ, hệ số phát thải của điện là lượng khí thải phát sinh khi sản xuất ra 1 MWh điện.
- Dữ liệu hoạt động: Là thông tin về các hoạt động sản xuất, tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp. Ví dụ: lượng nhiên liệu tiêu thụ, số lượng sản phẩm, quãng đường di chuyển...
Ví dụ:
- Nếu một chiếc xe di chuyển 10km và hệ số phát thải của xe là 0,14 kg CO2/km, thì lượng khí thải phát sinh là: 0,14 kg CO2/km x 10 km = 1,4 kg CO2.
- Nếu một công ty tiêu thụ 15.532.929 kWh điện trong một năm và hệ số phát thải của lưới điện là 0,8041 tấn CO2/MWh, thì lượng khí thải phát sinh là: 15.532,929 MWh x 0,8041 tấn CO2/MWh = 12.490 tấn CO2.
6. Lời kết
Thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính vừa là điều kiện đáp ứng yêu cầu pháp luật, vừa là bước đi quan trọng để doanh nghiệp khẳng định cam kết phát triển bền vững. Thông qua quá trình kiểm soát và giảm thiểu lượng khí thải, doanh nghiệp không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hình ảnh thương hiệu, tối ưu hóa chi phí sản xuất và tạo ra lợi thế cạnh tranh trong xu hướng chuyển đổi xanh toàn cầu.